Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, tình hình chung hiện nay trên thế giới đang tác động rất lớn đối với những ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành da giày. Tổng kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 9/2022 đạt 2 tỷ USD, giảm 30% so với tháng 8/2022 (2,6 tỷ USD), điều này đã đúng với dự báo của hiệp hội 3 tháng trước đây.
Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là do sang đến quý IV/2022 mức độ sụt giảm đơn hàng do tình hình lạm phát và sức mua các mặt hàng thời trang trong đó có giày dép ở các thị trường ở mức cao đã gây chững lại hoạt động xuất nhập khẩu. Nhất là biến động tại 5 thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Những thị trường này chiếm tới 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam.
Tuy vậy, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt được 21 tỷ USD - con số này cao hơn so với cả năm 2021. Như vậy có thể nói, những tháng cuối năm xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhưng ngành vẫn có thể đạt được kế hoạch đề ra.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng từ đầu và giữa năm, quý IV chỉ đang triển khai nên biến động tỷ giá chưa ảnh hưởng ngay lập tức nhưng về lâu dài sẽ có. Bởi lẽ, đa số các doanh nghiệp sử dụng USD để thanh toán, đối với xuất khẩu vì thu ngoại tệ nên sẽ có lợi nhưng nhập khẩu bất lợi (đặc biệt bất lợi với da thuộc do phải nhập khẩu hầu hết, 9 tháng nhập khẩu 1,2 tỷ USD).
Hiện nay, ngành da giày của Việt Nam có thị trường rộng lớn, đã hiện diện ở 44 thị trường chủ yếu, trong đó, năm 2021, có hơn 20 thị trường đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD, như Mỹ, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc...
Việt Nam hiện đã ký kết các hiệp định thương mại lớn như hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp cho việc xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada và Mexico tăng cao, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU chiếm khoảng 40%.
Theo Vnbusiness