Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra chiều ngày 21/3 giới thiệu về hoạt động của DN trong năm APEC 2017 và các hoạt động của kỳ họp ABAC 1 vừa qua tại Thái Lan, Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh: “Năm năm tới, thế giới sẽ tái cấu trúc, là cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bởi chắc chắn sẽ có nhiều chỗ trống mới khi sắp xếp lại. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các DN nhỏ và vừa, cũng như các DN siêu nhỏ Việt Nam cần phải phát triển, cải thiện mình, kèm theo đó là gỡ bỏ những vướng mắc từ cải cách thể chế để tăng tốc tham gia ‘cuộc đua’ này”.
Sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cơ hội của cộng đồng DN Việt Nam bắt đầu ngay từ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017.
Năm nay, theo Ts. Lộc, một lần nữa chúng ta được đăng cai tổ chức hội nghị APEC, khẳng định rõ uy tín và vai trò của Việt Nam trong hoạt động của APEC, cho thấy dấu hiệu Việt Nam đang là điểm đến của các nhà kinh doanh trên thế giới nói chung và các quốc gia APEC nói riêng.
“Qua trao đổi với chúng tôi, cộng đồng DN APEC chia sẻ, APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam là một trong những hội nghị được cộng đồng kinh doanh thế giới quan tâm nhất. APEC 2017 trở thành một trong những hội nghị có sức thu hút lớn nhất của cộng đồng DN trong những năm gần đây”, ông Lộc cho biết.
Hơn một tháng trước, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) đã công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh của các DN Nhật Bản trên thế giới. Đáng chú ý, 66% DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, cao hơn Trung Quốc và các nước ASEAN rất nhiều. Vì vậy, theo ông Lộc, trong con mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam đang là nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
“Trong xu thế như vậy, Việt Nam đang trở thành điểm đầu thu hút toàn cầu, nên hội nghị APEC lần này rất quan trọng để thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta sẽ tổ chức diễn đàn khởi nghiệp APEC, được trông đợi như một diễn đàn khởi nghiệp lớn nhất, có quy mô quốc tế tổ chức tại Việt Nam”, ông Lộc chia sẻ.
Giải thích lý do tổ chức Diễn đàn lần này, ông Lộc cho biết: “Chúng tôi tổ chức diễn đàn khởi nghiệp vì thế giới đang bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, rất khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo mới, đồng thời tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với thế giới”.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là Việt Nam thuộc Top tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong 20 nền kinh tế khởi nghiệp thất bại nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy khả năng quản trị và thực hiện ý tưởng của Việt Nam vẫn còn thấp kém”, ông Lộc nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Phân tích rõ hơn nhận định của mình, ông Lộc cho biết, kinh tế thế giới đang có những chuyển mình, thể hiện bằng việc chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, có dấu hiệu quay trở lại trên thị trường thương mại toàn cầu.
Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho DN Việt Nam. Ông Lộc cho rằng thế giới thay đổi, chuỗi giá trị toàn cầu sẽ thay đổi nên DN siêu nhỏ và nhỏ của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Song, để làm được điều này, một lần nữa ông Lộc nhấn mạnh, muốn đi xa phải đi cùng nhau. “Tức là chúng ta không được coi thường các DN siêu nhỏ, cũng như trước mắt cần chuyển các hộ kinh doanh thành DN nhỏ và vừa, phải vươn về vùng nông nghiệp nông thôn, xây dựng các mô hình liên kết hợp tác, từ đó mới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.
“Trào lưu chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nhằm phản ứng lại chuỗi giá trị toàn cầu đã tồn tại lâu nay. Vì vậy, chuỗi giá trị sẽ được thiết lập lại, Việt Nam – người đến sau chúng ta sẽ có cơ hội đặt chân vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Lộc khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, để điều này trở thành hiện thực, cơ quan quản lý phải tạo hệ sinh thái cho các DN tham gia chuỗi giá trị. Đồng thời, bản thân DN phải “bình dân học vụ”, phổ cập trình độ đạt chuẩn thế giới, đây là thách thức của Nhà nước, của DN.
Trên thực tế công tác thông tin tuyên truyền đến với DN còn ít, không phải nhận thức cơ hội sắp diễn ra, mà ngay cả hiệp định thương mại tự do được ký kết, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam cũng chưa tận dụng được cơ hội. Chỉ riêng FTA Việt Nam – Hàn Quốc là các DN tận dụng được 80%, còn lại các FTA khác rất thấp, tỷ lệ chỉ 40 – 60%.
Theo ông Hoàng Văn_Dũng, Chủ tịch ABAC 2017, thực tế DN nhỏ và vừa của Việt Nam được thành lập gần 30 năm, yếu về nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ, đặc biệt bị sức ép cạnh tranh lớn từ các tập đoàn đa quốc gia khi Việt Nam hội nhập. Để tận dụng cơ hội từ APEC 2017 và vượt qua khó khăn, các DN phải biết tận dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số để tiếp cận được thị trường và đối tác nước ngoài.
Cùng với đó, “bản thân DN phải cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tự tìm hiểu thông tin, bắt đầu từ những cơ hội mà Hội nghị APEC 2017 được tổ chức ngay trên sân nhà mang tới”, ông Dũng khuyến cáo.
Nguồn Thời báo Kinh doanh