Trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm kiểm soát bội chi ngân sách, tốc độ gia tăng nợ công và vấn đề nợ xấu của khu vực ngân hàng.
Kinh tế đối ngoại tiếp tục khởi sắc
Kết quả thu hút FDI là điểm nhấn thành công nổi bật nhất trong tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2016, với sự cải thiện mạnh so cùng kỳ năm 2015 cả về tổng vốn đăng ký mới, vốn bổ sung và vốn thực hiện, cũng như số việc làm mới dự kiến được tạo ra. Tính từ đầu năm đến thời điểm 20-4, cả nước thu hút 697 dự án FDI mới (tăng 55,6%), với số vốn đăng ký đạt 5.082,9 triệu USD (tăng 89,9%). Ngoài ra, có 314 lượt dự án tăng vốn đạt 1.804 triệu USD. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 6.886,9 triệu USD, tăng 85% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn thực hiện bốn tháng đầu năm ước tính đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so cùng kỳ năm 2015.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký; 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án mới; Hải Phòng đứng đầu, chiếm 31,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội chiếm 11,7%. Đồng thời, 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Xuất khẩu bốn tháng qua cũng có sự cải thiện về tốc độ tăng (xuất khẩu tăng 6%, nhập khẩu giảm 1,2% so cùng kỳ năm 2015), về cơ cấu thị trường, cũng như kết quả xuất siêu (1,46 tỷ USD). Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước và xuất siêu khoảng sáu tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 16,5% và sang Hàn Quốc tăng 36,5%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường ASEAN lại giảm 13,5% cho thấy sức cạnh tranh trong AEC đang nghiêng về các nước ASEAN so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập lớn nhất dù kim ngạch giảm 3,1% so cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, từ 30-4, chuối của Việt Nam đã có mặt trong siêu thị ở Nhật Bản và ngày 1-5, Tổng thống Nga đã ký phê chuẩn FTA giữa Liên minh Nga - Belaruts và Kazaxtan với Việt Nam (được ký kết ngày 29-5-2015).
Khách quốc tế đến nước ta có sự cải thiện tích cực, với mức tăng 11,9% trong tháng 4 và tăng 17,8% tính chung bốn tháng qua so cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, mức tăng đều ghi nhận ở các nguồn (từ châu Á tăng 21,9%, từ châu Âu tăng 11,5%, từ châu Mỹ tăng 10,8% và từ châu Úc tăng 2,8%).
Khu vực doanh nghiệp có nhiều cải thiện, dù còn khó khăn
Khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước dù còn nhiều khó khăn, tiếp tục gia tăng số DN phá sản và dừng hoạt động, nhưng tổng thể ghi nhận vẫn có sự vượt trội về số DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động so với số DN dừng hoạt động, phá sản, cụ thể: trong tháng 4, cả nước có 10.954 DN thành lập mới (tăng 11,1% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước), với số vốn đăng ký là 62,2 nghìn tỷ đồng (giảm 14,7% so với tháng trước và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước); có 1.955 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,2% so với tháng trước; có 5.844 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động (tăng 50,6%); có 840 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, tăng 16%.
Tính chung, bốn tháng đầu năm so cùng kỳ năm trước, cả nước có 34.721 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 248,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% về số DN và tăng 52,8% về số vốn đăng ký. Nếu tính cả 553,3 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN, thì tổng vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế là 801,5 nghìn tỷ đồng. Số DN quay trở lại hoạt động là 11.331, tăng 79,4%. Số DN chấm dứt hoạt động là 3.759, tăng 15,7%. Số DN tạm ngừng hoạt động là 25.135, tăng 31,8%.
Hội nghị gặp gỡ Thủ tướng với DN năm 2016 được tổ chức ngày 29-4, bên cạnh khẳng định nhiều thành công, đồng thời chỉ rõ các hạn chế về môi trường đầu tư cho DN và một loạt cam kết mạnh mẽ được Chính phủ đưa ra đối với cộng đồng DN, theo hướng: Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, DN, lấy người dân, DN là đối tượng phục vụ; bảo đảm sự ổn định, minh bạch và có thể dự báo được của các chính sách và môi trường thuận lợi cho DN, bảo vệ quyền kinh doanh tự do và lợi ích chính đáng của DN trong tất cả các lĩnh vực pháp luật cho phép và sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, vốn, tài nguyên, cơ hội kinh doanh.
Ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế; giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý; từ ngày 1-7 phải bỏ hết các quy định cũ trái với các Luật do Quốc hội thông qua. Trước mắt, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng, giảm một % trong trung dài hạn. Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu có gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để đầu tư phát triển khoa học công nghệ.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền lợi giá trị tài sản của công dân, doanh nghiệp; không thanh, kiểm tra chồng chéo. Những người đứng đầu các tỉnh trên toàn quốc phải tiếp doanh nghiệp hằng tháng. Mỗi địa phương thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp. Quán triệt đến từng công chức về việc xử lý hành chính, lãnh đạo các tỉnh thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát tăng nhẹ
Tính chung bốn tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3% (so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2015). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp (chỉ tăng 8,9% so với mức tăng 11,3% của cùng kỳ năm trước). Đàn bò tăng 0,5 - 1%; đàn lợn tăng 2 - 2,5%; đàn gia cầm tăng 3 - 3,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 1,1%, sản lượng thủy sản khai thác tăng 3,5%, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ và tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng lớn của tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn (9,2% diện tích gieo cấy bị thiệt hại trên 70% sản lượng; 4,2% diện tích bị thiệt hại từ 50 - 70% sản lượng). Gieo trồng hoa màu nhìn chung đạt thấp. Đàn trâu cả nước trong tháng 4 giảm 1,5 - 2% so cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng tập trung ước giảm 0,6%; diện tích rừng bị thiệt hại tăng 83,5%.
Động lực tăng trưởng trong nước được duy trì nhờ tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, tính chung bốn tháng tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5% (dù thấp hơn mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm 2015).
Lạm phát dù tăng cao hơn so cùng kỳ năm trước, nhưng tổng thể mặt bằng giá khá ổn định nhờ cân đối cung - cầu thị trường và giá thế giới không có đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2016 tăng 0,33% so tháng trước, tăng 1,33% so với tháng 12-2015 và tăng 1,89% so cùng kỳ năm trước ; bình quân bốn tháng tăng 1,41% so cùng kỳ năm 2015. Lạm phát cơ bản tháng 4-2016 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,76% so cùng kỳ năm trước; bình quân bốn tháng tăng 1,76% so cùng kỳ năm 2015.
Chỉ số giá vàng tháng 4-2016 tăng 8,12% so với tháng 12-2015 là cùng chiều với xu hướng tăng giá vàng thế giới; nhưng điểm mới tích cực là giá vàng trong nước đã thu hẹp rõ rệt chênh lệch với giá vàng thế giới, thậm chí nhiều lúc thấp hơn giá vàng thế giới. Chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,79% so với tháng 12-2015 cho thấy hiệu quả tích cực của chính sách tỷ giá trung tâm lần đầu được áp dụng từ tháng 1-2016 đến nay.
Nợ xấu được mua, bán theo giá thị trường
Theo Quyết định số 618/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày ký 12-4-2016, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức được triển khai phương án mua, bán nợ xấu theo giá thị trường.
Mua, bán nợ theo giá thị trường thực chất là chuyển đổi từ cách mua mang tính hành chính, không thương lượng về giá, không tính toán đến khả năng thu hồi nợ từ thanh lý tài sản bảo đảm… sang cách mua đứt bán đoạn, mua bằng tiền “tươi thóc thật”, “thuận mua vừa bán” sát với giá trị thật, tùy khả năng thu hồi nợ và giá trị tài sản nợ được xác định qua tự định giá thỏa thuận hoặc thuê tư vấn bên ngoài, nhất là qua đấu giá công khai, minh bạch, thực chất.
Với cách mua bán này, TCTD sẽ bán đứt món nợ cho VAMC, sau đó, VAMC có thể thanh lý tài sản để thu hồi số tiền đã bỏ ra, hay tiếp tục bán món nợ này cho nhà đầu tư mới. VAMC cũng có thể giúp con nợ phục hồi khả năng tài chính qua việc chuyển đổi món nợ này thành cổ phần hay tái cơ cấu. Khi đó, thỏa thuận mua, bán nợ xấu có thể sẽ nhiều hoặc ít hơn, nhưng với mức giá sát thực tế hơn và một thị trường mua, bán nợ thực sự với nhiều thành phần có thể tham gia sẽ ngày càng định hình và phát triển hơn.
Để có thể mua, bán nợ xấu theo giá thị trường phụ vào năng lực và cơ chế hoạt động của VAMC, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng, chủ tài sản cầm cố cho khoản nợ, các tầng nấc cơ quan thi hành pháp luật và tình hình thực tế trên thị trường bất động sản; Đặc biệt, đối tượng nợ thuộc diện được mua bán theo giá thị trường phải có khả năng thu hồi, có tài sản bảo đảm, đầy đủ giấy tờ pháp lý phù hợp khuôn khổ pháp luật liên quan. Việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải tuân theo các nguyên tắc quy định tại Luật đấu giá tài sản, nhưng cần có quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá loại tài sản đặc thù này; làm rõ trách nhiệm của các bên, sau khi mua đứt bán đoạn các khoản nợ, để tránh xảy ra tranh chấp, kiện tụng.
Khi mua bán nợ theo giá thị trường (trước mắt với khoảng bảy nghìn khoản nợ, không có tranh chấp hay các vấn đề về pháp lý mà VAMC đã rà soát lọc ra được), đòi hỏi nâng tầm năng lực và trách nhiệm của VAMC khi đưa ra mức giá mua, bán sát thực, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, cũng như bảo đảm an toàn hiệu quả của bản thân VAMC.
Nợ xấu là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội đầu tư thu lợi nhuận và chỉ có thể được hiện thực hóa theo các nguyên tắc thị trường. Tăng cường mua, bán nợ xấu theo giá thị trường và phát triển thị trường mua bán nợ là bước tiến mới, đúng hướng, tạo động lực mới cần thiết đảm bảo việc xử lý nợ xấu triệt để, thực chất, nhanh chóng, hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tín dụng và nền kinh tế, phát triển các thể chế kinh tế thị trường ngày càng đầy đủ và lành mạnh ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Thảm họa môi trường và áp lực an sinh xã hội tăng
Suốt từ 6-4 đến nay, sự việc cá chết hàng loạt bất thường ở ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ dài hơn 200 km từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế đang trở thành thảm họa quốc gia về môi trường lần đầu tiên diễn ra trên diện rộng và ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản biển và du lịch biển, trực tiếp đe dọa sinh kế, đời sống của hàng trăm nghìn hộ dân, khiến dư luận xã hội lo lắng và bức xúc. Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương đã huy động lực lượng vào cuộc tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp tạm thời khắc phục hệ quả trước mắt... Thực tế cho thấy, sự việc này đã bộc lộ lỗ hổng trong giám sát thường xuyên kết quả xử lý nước thải các khu công nghiệp lớn; sự hạn chế về năng lực quốc gia trong nghiên cứu, phân tích, xét nghiệm, đánh giá, xác định nguyên nhân thảm họa môi trường và trong quy trình phối hợp và xử lý thảm họa môi trường quốc gia.
Dù đến nay cả Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực vào cuộc, song về tổng thể, các động thái phản ứng chính sách, nhận diện, tiếp nhận thông tin và xử lý hiện tượng cá biển chết hàng loạt thời gian qua dường như còn khá chậm, lúng túng, thiếu thống nhất và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả theo quy trình chuẩn và kịch bản cấp quốc gia được chuẩn bị kỹ và tập huấn thành thục. Thậm chí còn hiện tượng mơ hồ nhận thức và đá bóng trách nhiệm.
Nói cách khác, đằng sau câu hỏi vì sao cá biển chết hàng loạt hiện nay là những câu hỏi khác đang chờ được giải đáp, cùng những lỗ hổng cần được nhận diện và lấp đầy trong cơ chế quản lý nhà nước về môi trường, để tương lai không lặp lại hay nhân bội các thảm họa môi trường quốc gia tương tự.
Đồng thời, đến thời điểm 24-4, đã có 15 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, khiến hàng triệu người thiếu nước sinh hoạt và tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 6,4 nghìn tỷ đồng. Hàng nghìn tấn gạo và những chính sách mới về tín dụng ngân hàng đã được triển khai giúp giảm nhẹ thiệt hại cho ngư dân miền trung do hiện tượng cá biển chết trong tháng 4.
Liên quan đến hiện tượng cá biển chết bất thường ở biển miền trung thời gian qua, ngày 1-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu mời các nhà khoa học nước ngoài phối hợp với các nhà khoa học trong nước làm rõ nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục hiện tượng cá chết hàng loạt; bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân trước mắt và lâu dài. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay mới, cơ cấu lại các khoản vay, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp, ngư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi hiện tượng thủy sản chết bất thường.
Đồng thời, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu, bảo đảm không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được ưu tiên, theo dõi chặt chẽ tín dụng bất động sản, hướng tín dụng vào phân khúc nhà ở xã hội. Xây dựng và triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu thực chất, hiệu quả và đặt trong việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo TS Nguyễn Minh Phong/ Báo Nhân Dân