Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông: Chợ công nghệ 4.0 là công cụ thành phần của hệ sinh thái thương mại, tài chính số Viettel Money do Viettel Nam Định phát triển cung cấp và đã áp dụng thành công, bước đầu mang lại hiệu quả tại một số chợ ở cả thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đây được coi là giải pháp tài chính số an toàn, dễ sử dụng, giúp người dân tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong thúc đẩy xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
Để mô hình Chợ công nghệ 4.0 đạt hiệu quả hoạt động cao, Viettel Nam Định đã tìm hiểu thị trường, thói quen tiêu dùng để xác định phương án đầu tư các điểm chấp nhận thanh toán; bố trí nhân lực tuyên truyền giúp các tiểu thương, người tiêu dùng hiểu về lợi ích của việc thanh toán số. Trên cơ sở đó, Viettel Nam Định trang bị các công cụ hữu ích cho các tiểu thương và người tiêu dùng dễ dàng thực hiện giao dịch; hỗ trợ các tiểu thương kích hoạt lấy mã QR cho gian hàng của mình và tạo tài khoản Viettel Money để giao dịch miễn phí; tư vấn dịch vụ Viettel Money và hướng dẫn khách hàng quét mã QR. Bằng cách làm bài bản và cơ sở hạ tầng công nghệ đồng bộ, việc triển khai mô hình Chợ công nghệ 4.0 đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiện tại, đã có hơn 800 tiểu thương tại 10 chợ mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt; 82% tiểu thương thực hiện thanh toán số; 15% giao dịch mua bán tại chợ được thanh toán số. Đa số tiểu thương rất hào hứng tham gia Chợ công nghệ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt bởi mô hình này giúp tiểu thương quản lý chính xác nguồn tiền hàng, không mất thời gian kiểm đếm, trả lại hay nỗi lo về tiền giả, tiền rách khi giao dịch với khách hàng. Thêm vào đó cách thanh toán này đặc biệt tiện ích cho cả thanh toán tiêu dùng cũng như chi trả tiền hàng qua các ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Hương, tiểu thương kinh doanh ở chợ Rồng cho biết: “Lâu nay chúng tôi đã sử dụng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản cho các đầu mối nhập hàng. Tuy nhiên đối tượng khách lẻ vẫn trả tiền mặt. Nhiều khi phải mang tiền mặt ra ngân hàng nạp vào tài khoản để thanh toán. Đối với khách hàng đã có tài khoản ngân hàng thì việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quét mã QR giúp khách hàng thao tác nhanh hơn, thoải mái trong việc lựa chọn hình thức thanh toán.
Bà Trần Mai Phương - 62 tuổi Vụ Bản – Nam Định chia sẻ: Từ khi áp dụng Viettel Money khách hàng lẻ cũng đa phần chi trả qua app Viettel Money nên tiện lợi hơn rất nhiều. Không còn cảnh tiểu thương đi đâu cũng kè kè lo “giữ” túi tiền nữa, rồi lại lo thừa, thiếu, trả nhầm cho khách…”.
Chị Nguyễn Thu Trang - chợ Liễu Đề - Nghĩa Hưng cho biết: “Cứ đến tháng lĩnh lương là chúng tôi ra quầy rút tiền mặt về chi tiêu hàng ngày vừa mất công, vừa mất phí. Hơn nữa việc quét mã QR khá thuận tiện cho người sử dụng so với việc chuyển khoản qua ngân hàng. Do đó tôi rất ủng hộ và sẽ sử dụng dịch vụ này thường xuyên thay cho chi trả tiền mặt”. Đây là những lý do khiến cho Chợ công nghệ 4.0 của Viettel Nam Định nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Nhân rộng mô hình Chợ công nghệ 4.0
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm song Chợ công nghệ 4.0 bước đầu đã đạt được mục tiêu kiến tạo xã hội số thông qua việc phổ cập hoạt động thương mại theo phương thức thanh toán số, không dùng tiền mặt; giảm việc thanh toán bằng tiền mặt tại các chợ truyền thống.
Đây là cơ hội giúp tiểu thương và người dân ở các chợ truyền thống tiếp cận với công nghệ thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiện lợi. Theo Viettel Nam Định, từ mô hình thí điểm ban đầu, đến nay Viettel Nam Định đã triển khai thêm 8 chợ gồm: chợ Rồng, Cửa Trường, Phù Long – TP Nam Định; chợ Chùa - Nam Trực; chợ Hành Thiện - Xuân Trường; chợ Liễu Đề - Nghĩa Hưng; chợ Cầu Cụ, chợ Làng - Hải Hậu. Mô hình Chợ công nghệ 4.0 sẽ hiệu quả hơn khi cả hệ thống hơn 320 chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh cùng đồng loạt áp dụng, vì vậy thời gian tới Viettel Nam Định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình Chợ công nghệ 4.0; đồng thời sẽ mở rộng các tiện ích của mô hình với các dịch vụ phụ trợ như gửi xe, bến bãi, vệ sinh… theo hướng cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi người dùng.
Tiên phong trong việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ phương thức giao thương truyền thống sang thanh toán không sử dụng tiền mặt, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội nói chung và Viettel Nam Định nói riêng, thành công với giải pháp đưa số hóa thâm nhập vào từng khía cạnh cuộc sống của người dân một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế phi tiền mặt, rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Theo Diendandoanhnghiep.vn