Độc đáo làng nghề
Nam Định vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với hàng chục làng nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, từ xa xưa đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ. Mỗi làng nghề đều chứa đựng những nét tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc của cha ông, được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay.
Nếu như huyện Nam Trực nức tiếng gần xa với làng rèn Vân Chàng, làng hoa cây cảnh Vị Khê; đan tre ở Thạch Cầu, Trung Lao; nhuộm vải, làm hoa giấy, hoa lụa ở Báo Đáp; luyện đồng, chạm vàng bạc ở Đồng Quỹ; làm kẹo lạc ở Thượng Nông… thì huyện Trực Ninh lại được biết đến với nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp. Rồi Nghĩa Hưng với khâu nón Nghĩa Châu; dệt chiếu Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá Hoàng Nam.
Mỹ Lộc với nghề làm lược chải đầu ở Sùng Văn, làm chăn bông ở Mỹ Thắng, làm giành tích ở Mỹ Hưng…Huyện Vụ Bản - cũng khá giàu có về làng nghề: dệt vải, dệt nái tơ tằm Quả Linh; rèn Quang Trung; sơn mài, sơn then làng Hổ Sơn; gò đồng thau làng Bàn Kết, chạm đá Thái La; nghề cung bông, làm lọng ở Hào Kiệt với những nghệ nhân giỏi về thêu kim tuyến chỉ màu. Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề với chạm khắc gỗ La Xuyên; đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm; sơn mài Cát Đằng, mây tre đan Yên Tiến…
Làng sơn mài Cát Đằng vẫn còn truyền tụng câu ca: “Sơn Đình Bảng khéo cầm khéo chế/Thợ tỉnh Nam chạm vẽ khéo tay” nhằm ca ngợi sự tài hoa, thông minh, sáng tạo của những nghệ nhân nơi đây. Với tính kế thừa trong mỗi gia đình và tay nghề điêu luyện của cả một vùng, sản phẩm của làng nghề Cát Đằng không những có chất lượng tốt, giá trị sử dụng lâu bền mà còn mang tính mỹ thuật và giá trị xuất khẩu cao.
Những mặt hàng chủ yếu của sơn mài Cát Đằng như các loại đĩa, khay, hộp, rương, lọ hoa, tranh sơn thủy, hoành phi, câu đối… qua thử thách của thời gian đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Một số sản phẩm được tạo dáng đẹp, trang trí họa tiết hài hòa, kết hợp vỏ trai, vỏ trứng, tạo nên chất liệu quý, màu sắc lộng lẫy nhưng vẫn trang nhã, có chiều sâu của sơn mài cổ truyền.
Nghề đúc đồng ở huyện Ý Yên với lịch sử lâu đời hơn 900 năm cũng khá nổi danh, được cả nước biết đến qua những công trình văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia như: tượng Vua Lê Thái Tổ đặt tại vườn hoa Chí Linh (Hà Nội), Chùa Đồng ở Yên Tử (Quảng Ninh), tượng 14 vị Hoàng đế thời Trần (Nam Định)… Ngoài ra, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, các nghệ nhân đúc đồng đã sáng tạo và sản xuất các sản phẩm đồ đồng đa dạng, tinh xảo, từ những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc đến đồ thờ cúng, đồ phong thủy…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Mỗi làng nghề của Nam Định đều có những nét riêng độc đáo đã tạo nên bức tranh đa sắc trong nền kinh tế địa phương. Ngày nay, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào các công đoạn sản xuất, kết hợp giữa máy móc hiện đại với tay nghề điêu luyện, sản phẩm của các làng nghề ngày càng có hàm lượng văn hóa cao, đa dạng phong phú về chủng loại, mẫu mã, độc đáo về kiểu dáng, kỹ, mỹ thuật. Trong khi ở nhiều nơi, không ít làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, làng nghề ở của địa phương vẫn tồn tại, phát triển nhờ sự tài hoa, sáng tạo và tấm lòng thủy chung của người dân đối với nghề truyền thống.
Nỗ lực gia tăng giá trị, thương hiệu làng nghề
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Từ nhiều năm nay, các ngành, các địa phương chú trọng huy động mọi nguồn lực, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế các địa phương, trong đó có phát triển làng nghề. Các địa phương đã chủ động lập và triển khai thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp tại các vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện, nước nhằm tạo không gian phát triển theo hướng tập trung, đồng bộ cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề, thuận tiện trong công tác quản lý, khắc phục mặt trái gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề.
Đồng thời, chú trọng thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh các ngành nghề truyền thống và phát triển các làng nghề, ưu tiên 5 nhóm ngành nghề, làng nghề mũi nhọn, chủ lực như: Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế; nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm làng nghề xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức sản xuất làng nghề theo hướng tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chủ động phát triển vùng nguyên liệu theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn lao động; đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Về phía các huyện, thành phố đã huy động nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề khắc phục khó khăn phát sinh trong thực tế, thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống.
Tại Hải Hậu, hiện có 44 làng nghề ở 33 xã, thị trấn (gồm 20 làng nghề sinh vật cảnh, 14 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 3 làng nghề nuôi trồng thủy sản, 5 làng nghề trồng cây dược liệu và 2 làng nghề xây dựng). Các chương trình hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp làng nghề phát triển được huyện tập trung chỉ đạo. Tiêu biểu đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tham gia Chương trình OCOP; tổ chức hỗ trợ, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho 78 sản phẩm OCOP qua mã QR code, trong đó có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp làng nghề; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề chế biến bánh nhãn thực hiện mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quảng bá và phát triển thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “bánh nhãn Hải Hậu”.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Việc vận động doanh nghiệp làng nghề di dời đến các khu sản xuất tập trung vừa góp phần kắc phục ô nhiễm môi trường sống các khu dân cư, vừa tạo không gian phát triển quy mô sản xuất cho doanh nghiệp, đồng thời, thiết lập nên các “trung tâm” sản xuất chuyên ngành. Tính riêng ngành cơ khí, các làng nghề tại huyện Xuân Trường đã sản xuất chuyên sâu các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; các làng nghề huyện Nam Trực từ thế mạnh truyền thống chuyên sản xuất các chi tiết thiết bị, phụ tùng xe máy đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng. Bên cạnh đó, một số làng nghề mới như làng nghề trồng cây dược liệu tại huyện Hải Hậu, trồng hoa tại huyện Mỹ Lộc được phát triển mở rộng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất của các làng nghề ước đạt 6.000 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm cho gần 44 nghìn người, trong đó lao động thường xuyên chiếm 62,2% với mức thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 3-6 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề; thu nhập cao nhất là nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Doanh nghiệp sản xuất làng nghề Ý Yên: Dựa vào yếu tố tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, Trong đó, đúc đồng ở làng nghề Ý Yên chúng tôi cũng kết nối các làng nghề khác để hình thành được các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn du khách, như là các tour du lịch sinh thái cộng đồng, hòa mình cùng không gian lễ hội làng nghề, tham quan, trải nghiệm di sản, phương thức làm nghề.
Trong thời kỳ đổi mới hôm nay, trước tốc độ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá của các làng nghề đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị kinh tế, và bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.
Theo diendanDN