Thứ Bẩy, 23/11/2024 11:50:59 GMT+7
Lượt xem: 651

Tin đăng lúc 01-10-2022

Nam Định: Phát triển phục hồi thị trường lao động sau dịch Covid-19

Dịch COVID-19 khiến phần lớn lao động trong các doanh nghiệp bị thiếu hụt trầm trọng. Quyết tâm không để thiếu, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Nam Định: Phát triển phục hồi thị trường lao động sau dịch Covid-19
Nhu cầu tuyển dụng của 475 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký qua Trung tâm 6 tháng đầu năm 2022 là 57.157 việc làm

Thiếu hụt lao động sau dịch Covid-19

 

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Nam Định, toàn tỉnh hiện có 1,876 triệu người. Trong đó, khu vực thành thị trên 380 nghìn người (chiếm 20,27%); khu vực nông thôn hơn 1,496 triệu người (79,73%). Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hơn 1,022 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,7%. Theo kết quả điều tra lao động việc làm toàn tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, gồm KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh (đã lấp đầy 100%), KCN Mỹ Trung (lấp đầy 28,39%), KCN Dệt may Rạng Đông (lấp đầy khoảng 10,63%). Tổng số lao động hiện đang làm việc tại các KCN là khoảng 4,8 vạn người với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo ông Lại Hà Nam - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Nhu cầu tuyển dụng của 475 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký qua Trung tâm 6 tháng đầu năm 2022 là 57.157 việc làm trống (tăng 38.567 việc làm trống so với cùng kỳ năm 2021).

 

Được biết, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện giải pháp giảm các tiêu chí tuyển dụng, tăng mức lương cơ bản cho người lao động (NLĐ), hỗ trợ ăn ca, tăng các khoản phụ cấp, cải thiện chế độ khen thưởng, nghỉ dưỡng, bổ sung các chế độ nhà trẻ, ký túc xá, xe đưa đón công nhân, đồng thời mở rộng địa bàn tuyển dụng nhằm thu hút lao động.

 

Hiện, thu nhập của NLĐ có xu hướng ổn định hơn so với năm 2021. Cụ thể, thu nhập của lao động phổ thông dao động từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng. Lao động có tay nghề, có kinh nghiệm dao động từ 7,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng; lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật dao động từ 8,5 đến 11 triệu đồng/người/tháng.

 

Tuy nhiên, lao động phổ thông vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp. Trong nhu cầu tuyển dụng cụ thể theo vị trí việc làm, các doanh nghiệp tập trung tuyển nhiều ở nhóm “nhân viên” với 56.898 việc làm trống, chiếm tới 99,55%, bởi sau tuyển dụng, các doanh nghiệp sẽ tiến hành đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với dây chuyền sản xuất của đơn vị. Về trình độ chuyên môn, chủ yếu “không yêu cầu bằng cấp” với 52.925 việc làm trống, chiếm 92,60%; nhu cầu tuyển lao động có trình độ đại học trở lên có 226 việc làm trống, chiếm 0,40%. 

 

Về “cung lao động”, trong tổng số 4.857 lao động đăng ký tìm việc tại Trung tâm, nhu cầu tìm việc tập trung ở nhóm vị trí “thợ may, thêu và các thợ có liên quan” với 2.248 lao động, chiếm 46,28%. Trong khi đó, nhu cầu doanh nghiệp tuyển dụng ở vị trí này tới 34.568 việc làm trống, chiếm 60,48%. Tiếp theo là vị trí “nghề khác”, có 795 lao động ứng tuyển, chiếm 16,37%, nhưng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chỉ có 19 vị trí việc làm trống, chiếm 0,03%; “thợ lắp ráp và vận hành máy” có 473 người lao động ứng tuyển, chiếm 9,74%, trong khi doanh nghiệp cần tuyển 7.230 người, chiếm 12,65%. Vị trí “nhân viên bán hàng” có 342 lao động ứng tuyển thì doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 927 người. 

 

Theo ông Nam cho biết thêm: có sự chênh lệch lớn giữa cung - cầu lao động phân khúc phổ thông khi tổng số nhu cầu tuyển lao động không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật là 52.925 việc làm trống, trong khi đó số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi tìm việc chỉ có 3.582 người. Dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu khoảng 18-20 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông các ngành may mặc, giày da, điện tử, trong đó nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh là khoảng 9.000 lao động (trong đó thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may là 5.300 lao động, tương đương 58,9 %).

 

 

Tổng số lao động hiện đang làm việc tại các KCN là khoảng 4,8 vạn người với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng

 

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực

 

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH cho biết: Để tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, tranh thủ thời cơ “dân số vàng”, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo đó, đến năm 2025: Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. 

 

Đến năm 2030: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

 

Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%, thu hút 50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN. Sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích phát triển cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở GDNN trong doanh nghiệp. 

 

Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hậu Lộc cho biết: Hiện nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn là rất đa dạng, nhiều các vị trí việc làm như nhân viên văn phòng, dịch vụ - phục vụ; bán hàng, thu ngân, bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, lao động phổ thông. Các nhóm ngành nghề theo vị trí công việc, việc làm được các doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng là: Công nhân sản xuất linh kiện điện tử; điện lạnh; dệt may; giày da…

 

Sức hút của thị trường lao động, với những ưu thế như nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, đa dạng việc làm, tiền lương, thu nhập phù hợp và ổn định; môi trường, điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi được quan tâm đã tạo ấn tượng tốt với nhiều người lao động. 

 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết: trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm GDNN và 12 cơ sở tham gia hoạt động GDNN; trong đó có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý.

 

Hàng năm, học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng; có những ngành nghề học sinh chưa nhận bằng tốt nghiệp, doanh nghiệp đã đến tận trường tiếp nhận vào làm việc (như các nghề hàn, may, công nghệ ô tô...). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai tích cực và đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ sau học nghề có việc làm ổn định đạt trên 85%. Đây là nguồn cung lao động ổn định cho các doanh nghiệp trong tỉnh phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang