Thứ Bẩy, 23/11/2024 18:03:15 GMT+7
Lượt xem: 2031

Tin đăng lúc 19-03-2019

Nấm mốc khi trời nồm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

Trời nồm sẽ là cơ hội để nấm mốc phát triển ở những nơi ẩm ướt và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Nấm mốc khi trời nồm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), nấm mốc là sự hình thành vi mô của nấm, phát triển thành từng mảng có thể nhìn thấy dưới điều kiện thích hợp. Chúng được tìm thấy ở khắp mọi nơi, kể cả trong nhà và ngoài trời. 

 

Thời tiết nồm ẩm như Việt Nam hiện nay sẽ khiến thực phẩm, đồ dùng bị mốc, bị mủn hay sờ vào thấy nhờn tay thậm chí có nhớt ở các thớt gỗ, đũa ăn cơm. Các thức ăn để qua đêm bên ngoài rất dễ bị nấm mốc bởi thời tiết hiện tại là môi trường lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.

 

Đặc biệt, nấm mốc ở đũa, thớt, thức ăn tiếp xúc trực tiếp với cơ thể. Thậm chí, có những loại nấm vô cùng nhỏ (vi nấm) phát triển mà mắt thường không nhìn thấy.

 

Nhiều loài nấm mốc còn phát triển trên rau củ quả, gạo đỗ, lạc... khiến chúng biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, đặc biệt là các chất dinh dưỡng như tinh bột, đường, protein, axitamin, lipit, vitamin và các khoáng chất. Nấm mốc làm thối rữa hoa quả, rau, hạt ngũ cốc và tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn khác phát triển khiến cho con người mắc nhiều loại bệnh, nhất là trẻ nhỏ và người già nếu tiếp xúc.

 

Nấm mốc có thể gây dị ứng

 

Nấm mốc sinh sản theo hình thức tự phân đôi, chúng tạo ra các bào tử và phát tán trong không khí. Khi hít phải nấm mốc, cơ thể sẽ phản ứng tương tự như khi hít phải bụi hoặc phấn hoa. Một khi hít phải nấm mốc và chúng gây dị ứng do nấm mốc mà chúng ta hít phải sẽ kích thích một số kháng thể nhất định, các kháng thể này gây nên một chuỗi các biểu hiện dị ứng giống với phản ứng của cơ thể khi mắc chứng cảm sốt, hoặc hen suyễn.

 

Nấm mốc có thể gây nhiễm trùng hệ miễn dịch

 

Nấm mốc là mối nguy hiểm đối với sức khỏe nếu có hệ miễn dịch bị suy yếu. Người mắc một số bệnh như xơ nang (bệnh di truyền thường gặp, khi mắc bệnh, các chất đặc nhầy sẽ sinh ra ở phổi và tụy, gây rối loạn hô hấp và rối loạn tiêu hóa), hoặc viêm phổi mạn tính, có thể gây nhiễm trùng hệ miễn dịch, nếu hít phải một số loại nấm mốc.

 

Nấm mốc có thể gây bệnh hô hấp

 

Khi các bào tử nấm chui được vào sâu bên trong cơ thể, đặc biệt là phổi, chúng sẽ gây viêm nhiễm. Triệu chứng của nhiễm nấm mốc bao gồm: Ho, thường xuyên thấy mệt mỏi, mắt và họng bị kích thích, đau đầu, da trở nên mẫm cảm hay buồn nôn. Ngoài ra, các bào tử nấm còn gây viêm nhiễm đường hô hấp, dẫn đến ho, viêm đường hô hấp, khó thở, mệt mỏi, viêm xoang, viêm phế quản, dị ứng...

 

Làm thế nào để tránh nấm mốc khi trời nồm?

 

Các tổ chức y tế hàng đầu của Mỹ khuyến cáo rằng, nấm mốc thường mọc ở những nơi có độ ẩm cao, do đó, "chìa khóa" quan trọng nhất để ngăn ngừa nấm mốc phát triển trong nhà là kiểm soát độ ẩm. Nếu thấy hơi nước ngưng tụ trên bề mặt cửa kính, gương hoặc dưới nền gạch… thì đó là những dấu hiệu cho thấy độ ẩm không khí trong nhà đang ở mức cao và thuận lợi cho nấm mốc phát triển. 

 

Để tránh nấm mốc, mọi người cần lau sạch ngay những chỗ có nước ngưng tụ. Bật quạt thông gió làm thông hơi ra ngoài. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không để tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Gầm giường, tủ… cần được kê cao, thông thoáng, nhằm tránh mọc nấm mốc. Quần áo, khăn, chăn.... nên cất ở nơi sạch sẽ và khô ráo. Không để quần áo bị ẩm ướt trong máy giặt. Lau tường trong phòng tắm, phòng bếp, vòi sen bằng giẻ lau, hoặc miếng mút…

 

Nguồn VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang