Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:46:54 GMT+7
Lượt xem: 921

Tin đăng lúc 25-01-2023

Năm mới, để niềm tin dẫn bước ta thêm vững chãi

Lại Tết. Vòng tròn 365 ngày mà trái đất vừa hoàn thành nhiệm vụ khi đi quanh mặt trời ấy cứ thế tuần hoàn, nhưng cuộc sống thì luôn biến thiên, lên lên xuống xuống.
Năm mới, để niềm tin dẫn bước ta thêm vững chãi
Ảnh minh họa

Sau một năm, mọi người thường sẽ nhìn lại năm đã qua để thấy năm nào cũng có những khó khăn, biến động, lắng lo và cả hi vọng. Nhưng dù có gì đi nữa thì con người cũng phải đối diện, mạnh mẽ bước qua, đó là trải nghiệm tất yếu, muôn đời nay. Ai nhìn ra quy luật vô thường thì sẽ không sợ hãi. Ai sống với quy luật nhân quả thì sẽ luôn biết chọn lối sáng, suy nghĩ tích cực.

 

Chuyện năm cũ đã qua

 

Trong Phật giáo, Đức Phật dạy: Đừng luyến tiếc quá khứ, đừng mơ tưởng tương lai, hãy an trú trong hiện tại. Quá khứ dù có thế nào thì cũng đã “chết” rồi. Những chuyện đã xảy ra, dù tốt hay xấu thì nó cũng đã qua, không thể lặp lại. Nếu có lặp lại hiện tượng thì cũng không phải là hiện tượng của ngày hôm qua, hôm kia nữa.

 

Tất nhiên, không luyến tiếc ở đây chính là không “sống” với nó theo kiểu chấp chặt: tự mãn, khổ sở, ân hận… không thoát ra được. Nhưng quá khứ cũng có giá trị như một tấm gương giúp ta soi chiếu. Ông bà mình nói "ôn cố tri tân". Tức là, có thể nhìn lịch sử để điều chỉnh lối sống, hành xử ở hiện tại, định hướng cho tương lai.

 

Một ý niệm lành của mình cũng có thể góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Mỗi người chỉ cần nghĩ lành, nói lành, sống lành hơn chính mình một chút của ngày hôm qua là đã đóng góp rồi. Ai đó nói, “Hơn thua so với chính mình/ Hôm nay mình phải hơn mình hôm qua” là trong ý nghĩa nhắc nhở này.

 

Thực ra, đó chính là sống khoa học và tích cực. Có rất nhiều người vẫn hay nhìn Tây, nhìn Mỹ để so với mình rồi buồn sao mình không hiện đại bằng. Nhìn vậy là quên mất quá khứ, họ đã có bề dày phát triển khoa học công nghệ lâu đời, còn mình là đất nước có thời gian dài trải qua chiến tranh, nền kinh tế nông nghiệp truyền thống. Nếu nhìn mình với mình hôm qua thì thấy, chúng ta cũng đang đi những bước dài. Vui với thành tựu đã đạt và khắc phục hạn chế, trau dồi, cải thiện yếu kém. Chỉ cần mình luôn đi tới.

 

Năm mới ta cũng mới

 

Dịch bệnh tuy đã được mọi người hiểu rõ hơn. Việc phòng ngừa Covid-19 đã nề nếp nhưng vẫn còn những phức tạp riêng. Cái mới trong công tác phòng dịch chính là không chủ quan. Cái mới khác trong ứng xử với dịch chính là sống chung an toàn, đón nhận làn sóng người nước ngoài vào Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa. Cuộc sống sẽ lại vận hành với những khó khăn, thử thách nhưng nếu tích cực thì sẽ thấy: trong nguy có cơ. Người bản lĩnh sẽ luôn tìm cơ hội trong khó khăn. Còn người yếu kém sẽ luôn thấy khó khăn trong cơ hội. 

 

Mới trong suy nghĩ là cái mới gốc, để từ đó có ứng xử tích cực hơn với mọi tình huống, với những thay đổi đương nhiên của cuộc đời. Mỗi người có thể dành thời gian để chăm sóc thân-tâm-trí của mình nhiều hơn để “ít muốn, biết đủ”. Lối sống này đưa đến hạnh phúc cho bản thân và cả cho môi trường. Sở dĩ chúng ta khổ là vì phải đổ sức cày bừa để đáp ứng cho cái muốn ngày càng nhiều hơn của bản thân. Chẳng phải mọi người vẫn đang vò sức mình chỉ vì chiếc điện thoại đời mới hơn trong khi chiếc cũ vẫn còn chạy tốt, thậm chí không biết sử dụng hết chức năng của nó nữa.

 

Trong gia đình cũng vậy. Mỗi người nếu biết trân trọng từng cái nho nhỏ dễ thương mình đang có, từng người thân-thương còn bên cạnh thì có lẽ đã trong ấm ngoài êm rồi. Ngoại tình là biểu hiện của lòng tham. Lẽ ra người ta nên vun vén và làm mới mối quan hệ đang có thì lại tìm cái mới để khỏa lấp, thay thế cái cũ (bị xem là lỗi thời). Cách thức y như chuyện người ta đổi điện thoại.

 

Thực ra, những thù hận đôi khi xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, từ lòng tham được bơm thổi mỗi ngày trong tâm mỗi người. Một năm, nhìn lại đời sống thường nhật, giật mình vì quá nhiều vụ giết người do ghen tuông, ngoại tình. Giật mình, sợ, là để làm mới - phải sống nề nếp hơn, có ý thức gìn giữ, bảo hộ chính mình, gia đình mình hơn.

 

Giá như, con người có thời gian nhìn lại để hiểu mình đã tự làm khổ bản thân, rồi làm khổ người, khổ môi trường, đất mẹ ra sao?

 

Tết là khoảng thời gian quý giá để dừng lại, nhìn sâu. Năm mới ta cũng mới. Bắt đầu từ sự ứng xử với Tết. Xem Tết là cơ hội để sống tích cực, phục hồi năng lượng, gắn kết yêu thương, để những chuyện buồn đau năm cũ được chuyển hóa, đi tiếp với niềm tin vào sự thay đổi tích cực từ gốc (là nếp nghĩ) sẽ góp phần thay đổi cuộc sống, thay đổi thế giới.

 

Làm mới theo cách ấy biết đâu ta sẽ thấy những mầu nhiệm, trước tiên với chính mình: bình yên hơn, hạnh phúc hơn, vững chãi hơn, ít bị chi phối bởi ngoại cảnh hơn...

 

Theo Vietnamnet.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang