Cụ thể, theo tờ Forbes, 30-50% công việc hiện tại của con người có nguy cơ rơi vào tay của công nghệ tự động hóa với các công việc tay chân có thể sẽ là những “nạn nhân” đầu tiên. Tuy nhiên, ngay cả các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao cũng không tránh khỏi nguy cơ này. Vấn đề là những công việc còn “rơi rớt” lại sẽ đòi hỏi trình độ chuyên môn cũng như sự sáng tạo cao với số lượng ít ỏi. Do vậy, con người cần bắt đầu nghĩ đến những công việc mà chúng ta có thể làm trong tương lai ngay từ bây giờ.
2. Công nghệ sẽ kéo dài tuổi thọ của con người
Trí tuệ nhân tạo kết hợp với những tiến bộ trong kỹ thuật robot, y tế và công nghệ gen sẽ có thể khiến cho con người “bất tử” hay ít nhất là kéo dài tuổi thọ. Điều này thoạt nhiên nghe có vẻ là một “cuộc cách mạng” vĩ đại, song tuổi thọ của con người cao hơn sẽ là mầm mống cho nhiều vấn đề kinh tế và xã hội nói chung. Dân số sẽ gia tăng với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn cả hiện tại, từ đó gây nhiều áp lực lên các nguồn tài nguyên của nhân loại. Vấn đề nghỉ hưu và lương hưu sẽ phải được suy tính lại, cũng như các chương trình an sinh xã hội của chính phủ. Các chương trình chăm sóc sức khỏe dài hạn cũng sẽ đòi hỏi nhiều vốn, cơ sở vật chất và nhân lực hơn nữa.
3. Ai sẽ kiểm soát các “siêu trí tuệ”?
Khi công nghệ ngày càng tiến bộ, con người càng có nguy cơ bước vào “thời kỳ phong kiến” của kỹ thuật số, mà ở đó một vài phát kiến kỹ thuật, dù là thuộc sở hữu cá nhân hay tập thể, sẽ kiểm soát cuộc sống và số phận của chúng ta thông qua việc kiểm soát dữ liệu. Cho đến thời điểm hiện tại, con người vẫn có thể lựa chọn đứng ngoài xu hướng này, nhưng điều đó sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta gặp nhiều bất tiện. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các giao dịch diễn ra thông qua công nghệ số, khi mà con người không thể tự làm được những việc đơn giản như mua đồ ăn, lái xe hoặc đọc một quyển sách chỉ vì thiếu chữ ký số. Chuyện gì sẽ xảy ra khi một cá nhân, một công ty hoặc một tổ chức nào đó kiểm soát khả năng tiếp cận của chúng ta với tất cả những điều kể trên chỉ bởi họ quản lý dữ liệu của ta.
4. Chủ nghĩa tư bản sẽ thất thế
Những tiến bộ về kiến thức thuật toán dùng trong phân tích dữ liệu (machine learning), trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) và tự động hóa có thể mang tới những bước tiến vượt bậc trong các lĩnh vực như y tế, khoa học, thương mại và tri thức của con người. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng sẽ có những hệ lụy kèm theo đó.
Những tiến bộ về công nghệ là một thách thức “đáng gờm” đối với chủ nghĩa tư bản khi chúng có thể khiến cho tình trạng thất nghiệp gia tăng và tạo ra một nghịch lý rằng số lượng hàng hóa và sản phẩm được sản xuất hiệu quả ngày càng gia tăng, nhưng kèm theo đó là tình trạng thất nghiệp hay bán thất nghiệp ngày càng trầm trọng, tiền lương thực tế giảm và mức sống không được cải thiện. Kết quả tốt nhất mà chúng ta có thể kỳ vọng trong trường hợp này là một hình thái mới của chủ nghĩa xã hội, một nền kinh tế chia sẻ mà ở đó sở hữu cá nhân sẽ giảm hoặc biến mất dần và thay vào đó, con người sẽ chia sẻ các nguồn lực xung quanh chúng ta một cách công bằng. Tuy nhiên, để đạt được điều này sẽ rất khó khăn khi nó đòi hỏi sự lật đổ hoặc sụp đổ của chế độ tư bản hiện tại.
5. Nguy cơ từ việc sử dụng dữ liệu
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ rò rỉ thông tin gây chấn động dư luận như thông tin về sự can thiệp của Nga đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay vụ bê bối liên quan đến việc hơn 1 tỷ tài khoản Yahoo bị xâm nhập trái phép vào năm 2013 được đưa ra ánh sáng, trong đó có cả các thông tin cá nhân nhạy cảm. Khi ngày càng nhiều dữ liệu của con người được lưu trữ bằng công nghệ kỹ thuật số, chúng ta càng dễ trở thành con mồi của các cuộc tấn công mạng. Tin tặc, các công ty và tổ chức có thể dùng chính các dữ liệu này để chống lại chúng ta. Nhiều người sẽ cho rằng nếu không làm gì sai thì không có gì phải giấu diếm. Tuy nhiên, điều này sẽ không đúng khi ai đó sử dụng hồ sơ sức khỏe của bạn để từ chối tuyển dụng, hoặc sử dụng hồ sơ lái xe của bạn để từ chối cung cấp bảo hiểm./.
Nguồn Kinhtevn.com.vn