Thứ Sáu, 22/11/2024 15:25:50 GMT+7
Lượt xem: 534

Tin đăng lúc 11-09-2023

Nan giải chuyện niêm yết giá ở chợ truyền thống

Nếu như trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thực hiện niêm yết giá rất tốt thì tại các chợ truyền thống, việc này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nan giải chuyện niêm yết giá ở chợ truyền thống
Không niêm yết giá gây khó khăn cho người tiêu dùng trong khi mua hàng tại các chợ truyền thống

Theo quy định của pháp luật, tất cả các mặt hàng bày bán trên thị trường đều phải niêm yết giá cả rõ ràng. Tuy nhiên, tại các chợ truyền thống, việc này dường như bỏ ngỏ hoặc có niêm yết nhưng theo cảnh “treo đầu dê bán thịt chó”.

 

Khó cả đôi đường

 

Theo các tiểu thương, hàng hóa bán ở chợ thường đa dạng, nhiều mặt hàng/sạp trong khi giá cả lại lên xuống thất thường, điều chỉnh từng ngày. Nhất là đối với mặt hàng rau củ, thực phẩm, tuy cùng một loại sản phẩm nhưng có rất nhiều mức giá khác nhau. Nếu phải niêm yết giá từng mặt hàng thì rất khó thực hiện.

 

Ngoài ra theo các chủ sạp hàng, thông thường người đi chợ vẫn có tâm lý mặc cả nên dù niêm yết giá vẫn rất khó bán hàng. Từ đó dẫn đến thực trạng người bán hàng không để bảng giá mà chỉ khi khách hỏi, chủ sạp hàng mới nói giá.

 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 9.000 chợ (trong đó chỉ có từ 15% - 20% chợ loại I và loại II, còn lại là chợ loại III và nhỏ lẻ). Tuy nhiên theo các chuyên gia, số lượng chợ niêm yết giá công khai theo đúng quy định của pháp luật rất ít, dù đó là chợ nhỏ lẻ ở vùng quê hay là các chợ lớn, chợ đầu mối.

 

Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho biết pháp luật đã có quy định các địa điểm thực hiện niêm yết giá bao gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.

 

 

 

Như vậy, người kinh doanh ở chợ phải đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Nếu không người mua có thể khiếu nại đến ban quản lý chợ.

 

Theo bà Thu, ở các nước khác, cụ thể như Singapore, dù là chợ truyền thống nhưng họ thực hiện niêm yết giá tất cả các mặt hàng, từ mặt hàng nhỏ nhất tới mặt hàng có giá giá trị lớn. Nếu phát hiện ai không niêm yết giá hoặc bán giá cao so thực tế, giá cả chung, chủ sạp hàng sẽ bị xử lý, xử phạt nặng. Vì vậy mà khách hàng khi đến các chợ truyền thống ở đây ít khi bị mua hớ hay gặp tình trạng chặt chém.

 

Điều này được cho là do cơ quan quản lý ở nước này rất chú trọng kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về vấn đề niêm yết giá nhằm bảo đảm việc kinh doanh đúng quy định, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy tình trạng mua hớ, nói giá quá cao như chuyện 700.000/3 đôi tất ở chợ Bến Thành thời gian qua là không hiếm.

 

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết việc chưa phát huy hết vai trò khách quan, công tâm của Cục Quản lý thị trường, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam… trước những việc làm chưa đúng, bị dư luận phê phán nhiều năm nay trong việc tổ chức nguồn hàng, niêm yết giá chính là chưa đảm bảo sự công bằng cho người tiêu dùng và người làm ra hàng hóa cung cấp vào các chợ, đồng thời tạo ra sự thiếu minh bạch của hàng hóa tại các chợ truyền thống.

 

Tạo giá trị kinh doanh

 

Ngoài việc chưa vào cuộc chặt chẽ của cơ quan quản lý, theo các chuyên gia, dù đã có luật pháp quy định về việc niêm yết giá nhưng chính các quy định pháp luật này cũng chưa chặt chẽ dẫn đến việc niêm yết giá chưa đi vào thực tế, chưa tạo được sự đồng bộ ở các chợ truyền thống.

 

Cụ thể tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá chỉ từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Việc này cho thấy mức phạt này còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe nên chưa có tác động, làm thay đổi hành vi kinh doanh của tiểu thương.

 

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có những quy định cụ thể về cách thức niêm yết giá. Việc tiểu thương thực hiện niêm yết giá với kích thước bảng báo, cỡ chữ, hình ảnh, đơn vị đo lường… chưa thể hiện rõ trong văn bản pháp luật. Điều này vừa gây mất mỹ quan trong chợ khi mỗi tiểu thương niêm yết giá bằng một vật dụng khác nhau, vừa gây khó khăn cho người tiêu dùng trong nhận biết giá.

 

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng việc sửa đổi các quy định pháp luật trong Luật giá là điều cần thiết nhằm hạn chế những bất cập trong thực hiện và quản lý niêm yết giá tại các chợ truyền thống.

 

Tuy nhiên, dù luật pháp có sửa đổi thì điều quan trọng vẫn nằm ở ý thức của những người bán hàng. Bởi nếu cố tình vi phạm, không niêm yết giá hoặc niêm yết cho có (niêm yết giá gốc, chưa tính thuế…) thì hiệu quả của việc niêm yết giá sẽ không cao.

 

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng trẻ đang có xu hướng mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại vì ngoài lợi thế không gian sạch sẽ, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng thì một vấn đề khác đó chính là việc niêm yết giá công khai. Chính vì vậy, nếu các chợ truyền thống không làm tốt điều này, không hướng đến bán hàng văn minh thì rất khó thu hút khách. Trong khi thực tế hiện nay cho thấy, lượng khách ở các chợ truyền thống đang giảm dần, nhiều chợ rất thưa khách.

 

“Niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết sẽ giúp bỏ thói quen nói thách để tạo nên một nét đẹp mới trong mua sắm cũng là một giá trị văn hóa kinh doanh mà các chợ truyền thống cần hướng tới”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang