Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Kết quả thực hiện chủ trương xã hội hoá đã góp phần tăng thêm nguồn lực, giảm áp lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước hình thành thị trường dịch vụ sự nghiệp công lành mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp; cơ chế tự chủ tài chính; định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở để định giá dịch vụ sự nghiệp công chưa đồng bộ, kịp thời; việc thực hiện xã hội hóa ở một số lĩnh vực chưa cao.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn và cụ thể hóa NQ 19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công, trong đó có nội dung đổi mới cơ bản về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, để đơn vị sự nghiệp công lập có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn. Danh mục dịch vụ công do Nhà nước ban hành và định giá có lộ trình phù hợp với khả năng chi của ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân, từ đó đổi mới phương thức giao dự toán chi thường xuyên sang phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo kết quả nhiệm vụ, dựa trên hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công. Kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu là nguồn thu để chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái
Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Yên Bái đã từng bước chuyển sang phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, từ đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tự chủ chi thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, đã có đơn vị đạt mức độ tự chủ gần 90%, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có các khó khăn đó là: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhất là tại các tỉnh vùng núi, ngoài các khó khăn chung còn có khó khăn riêng đó là điểm xuất phát thấp, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn ít, quy mô nhỏ; dân số ở phân tán, giao thông đi lại còn khó khăn, do vậy chính sách xã hội hoá chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Trường Cao đẳng nghề Yên Bái luôn chú trọng chất lượng đào tạo, tạo cơ hội việc làm thuận lợi cho sinh viên sau khi tốt nghiệp
Để nâng cao hơn nữa mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng khi áp dụng phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, thiết nghĩ, cần thực hiện một số các giải pháp cụ thể như sau:
Một là: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các đơn vị, địa phương về mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai là: Các Bộ, ngành sớm hoàn thiện đồng bộ danh mục sản phẩm, dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý; Định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công, làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công theo đúng quy định pháp luật về giá; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng.
Ba là: Trong xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá cần có hướng dẫn chi tiết đầy đủ về tiền lương, nhân công, đơn giá đối với các trang thiết bị, công nghệ mới được áp dụng lần đầu chưa có đơn giá đối chiếu để đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định.
Bốn là: Các đơn vị tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, có tính kế thừa về kết quả thực hiện nhiệm vụ, thực trạng nhân lực gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị, bảo đảm sau khi sắp xếp sẽ tăng cường được năng lực và hiệu quả trong hoạt động của đơn vị.
Năm là: Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập để các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho viên chức. Đồng thời, thu hút nhân tài, lao động giỏi làm việc, trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư phát triển, tăng nguồn thu của đơn vị từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Sáu là: Có các chính sách hợp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo nguồn lực xã hội hóa; đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ công./.
Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái