Thứ Năm, 21/11/2024 20:05:28 GMT+7
Lượt xem: 3171

Tin đăng lúc 18-11-2021

Nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết giữa Trường Chính trị tỉnh Thái Bình với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của bất cứ cơ quan, đơn vị nào cũng đều có sự phối hợp giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các phòng ban, bộ phận và giữa các cán bộ, công chức, viên chức trong cùng cơ quan, đơn vị với nhau.
Nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết giữa Trường Chính trị tỉnh Thái Bình với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Ông Nguyễn Đức Luận - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình phát biểu khai giảng Lớp Bồi dưỡng cấp ủy cơ sở dành cho chức danh Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã

 

Hình thức và nội dung của sự phối hợp quản lý và thực thi công vụ bao gồm các hoạt động cung cấp thông tin, trợ giúp vật chất, phương tiện kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực, tài chính, xác định nội dung công việc và phạm vi trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện những nhiệm vụ chung; tất cả những nội dung đó đều cần tuân thủ theo nguyên tắc hợp tác, liên kết và phối hợp để đảm bảo đạt hiệu quả cao trong thực thi các nhiệm vụ.

 

Nhận thức sâu sắc về hiệu quả hợp tác, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở đào tạo và với Trường Chính trị Thái Bình nói riêng trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là Trường Chính trị tỉnh và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, là khâu quan trọng trong công tác cán bộ hiện nay.

 

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Trường Chính trị Thái Bình đã phối hợp với Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Đảng ủy khối cơ quan, Đảng ủy khối doanh nghiệp, Sở Giáo dục và đào tạo, Ban Tuyên giáo… trong toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chất lượng cao phục vụ cho công tác cán bộ của tỉnh trong thời kỳ hội nhập Quốc tế, đồng thời sự hợp tác, liên kết đào tạo đã giúp Nhà trường nắm chắc các khâu như: Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo từng loại hình, chức danh, đối tượng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và giai đoạn; xác định thời điểm mở lớp; thành lập ban chỉ đạo các khóa đào tạo, theo dõi đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của cán bộ, học viên,... Hiệu quả của công tác hợp tác, liên kết trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ trong tỉnh, công tác đào tạo từng bước được củng cố vững chắc.

 

Nhờ làm tốt công tác hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ đã giúp cho việc chiêu sinh, mở các lớp của Nhà trường ngày càng được tăng cường cả số lượng và chất lượng, trình độ, bản lĩnh, lập trường tư tưởng ngày càng được nâng cao; chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức lối sống đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới hội nhập, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh.

 

 Trong nhiều năm qua, Trường Chính trị Thái Bình đã luôn quan tâm đến các hoạt động với nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng được giao; nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác giải quyết các vụ việc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với hệ thống các cơ sở đào tạo bồi dưỡng.

 

 

Trường Chính trị tỉnh Thái Bình tham gia cuộc thi 'Viết Chính luận khoa học" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức

 

Tỉnh Thái Bình đã đưa ra các quy chế bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động nhà nước trong công tác giải quyết các sự vụ hành chính và các nhiệm vụ đào tạo trong tỉnh đối với Trường Chính trị Thái Bình. Bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác phối hợp liên quan đến hoạt động đào tạo bồi dưỡng trong toàn tỉnh. Vì vậy, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với Trường Chính trị Thái Bình luôn được thực hiện chặt chẽ từ việc gửi thông báo tuyển sinh và kế hoạch đào tạo mở lớp ngắn hạn và dài hạn; các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp thực hiện đào tạo đã đem lại hiệu quả thiết thực…

 

Đối với Trường Chính trị Thái Bình, khi thực hiện quy chế thì công tác tuyển  sinh, mở lớp cho các đối tượng được thực hiện khá tốt, các văn bản mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao cho các trường chính trị thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia mở lớp, mở mã ngành đào tạo, bảo đảm công tác chiêu sinh đúng theo trình tự, thủ tục quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những hạn chế trong quá trình phối kết hợp đó là, sự phối hợp giữa Trường Chính trị Thái Bình với các cơ quan quản lý nhà nước đôi lúc còn mang tính “mùa vụ”, chỉ thực sự quyết liệt khi có lớp được mở; Chưa xây dựng được kế hoạch phối hợp thường xuyên; Công tác phối hợp theo dõi, đánh giá sau đào tạo chưa được quan tâm đúng mức; Chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo chưa thống nhất, còn chồng chéo, việc sửa đổi, bổ sung nội dung giáo trình chưa thật sự khoa học, phù hợp với đối tượng cán bộ, học viên, dẫn đến khó khăn cho cả người dạy và người học…

 

 

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân trong trường có thành tích trong năm 2020

 

Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết giữa Trường Chính trị Thái Bình với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cần thực hiện một số nội dung sau:

 

Một là, cần xây dựng Quy chế phối hợp nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước với Nhà trường về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Với Quy chế này có thể tạo ra một cam kết chung, làm căn cứ để điều chỉnh các hoạt động phối hợp liên kết giữa Trường Chính trị, cơ quan quản lý nhà nước. Quy chế này sẽ phân định rõ trách nhiệm từng cơ quan quản lý nhà nước, Trường Chính trị Thái Bình trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, cũng như đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ đào tạo, sẽ giúp cho lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho cấp có thẩm quyền chủ động, chỉ đạo công tác đào tạo; tạo được sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước với Nhà trường trên tất cả các nội dung liên quan đến công tác đào tạo, như: Xây dựng kế hoạch, tuyển sinh, mở lớp, hoàn thiện hồ sơ’; mưu hoàn thiện chế độ chính sách cho người học; bổ sung cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập;công tác phục vụ và theo dõi, đánh giá cán bộ được sử dụng sau đào tạo...

 

Hai là, Tăng cường sự phối hợp của địa phượng, các ngành với các đơn vị chủ trì đào tạo trong công tác tuyển sinh, lựa chọn cán bộ đi học. Việc lựa chọn đối tượng đào tạo phải luôn gắn liền với nhu cầu sử dụng cán bộ, công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ của các địa phương, đơn vị. Vì vậy, các địa phương, đơn vị phải thật sự chủ động trong công tác phối hợp với nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trung và dài hạn, qua đó phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, chọn, cử cán bộ đi học gắn với quy hoạch, bố trí và sử dụng; tránh tình trạng cán bộ đi đào tạo về không được sử dụng hoặc thiếu cán bộ được đào tạo khi cần bố trí, bổ nhiệm và cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ra trường không làm được việc.

 

Ba là, Phối hợp tăng cường công tác quản lý giữa Nhà trường với cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức mở các lớp đào tạo. Ngoài sự nỗ lực của cán bộ, học viên, sự cố gắng của giảng viên thì không thể thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan, đặc biệt chú trọng việc theo dõi, đánh giá ý thức, thái độ của cán bộ, sinh viên, học viên trong quá trình học tập, tránh tình trạng lãng phí về thời gian, kinh phí và đặc biệt gây khó khăn khi sắp xếp công việc thay thế cho đội ngũ cán bộ được cử đi học và tạo áp lực không cần thiết cho nhà trường.

 

Bốn là, Phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động khảo sát, theo dõi, đánh giá cán bộ được sử dụng sau đào tạo. Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đào tạo. Sự phối hợp thực hiện tốt hoạt động này sẽ nắm bắt được thông tin phản hồi về đánh giá cán bộ sau đào tạo làm cơ sở để nhà trường điều chỉnh nội dung, phương thức, hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Mặt khác, thông qua kết quả đánh giá cán bộ sau đào tạo, đội ngũ giảng viên của Nhà trường sẽ có căn cứ để điều chỉnh phương pháp, nâng cao hiệu quả giảng dạy, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các địa phương.

 

Năm là, Phối hợp xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng vững mạnh và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp nhà trường sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ./.

 

                                          Thạc sỹ: Trần Lệ Chi – Khoa Nhà nước và pháp luật

                                                                 Trường chính trị Thái Bình


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang