Tham dự buổi tập huấn, đào tạo có TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm dự án; Ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc TCT May 10, cùng đại diện của các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Chuyên gia đến từ Bộ Khoa học & Công nghệ, Công ty Phát triển thương hiệu Sao Kim, Công ty SHI Marcoms đã có những chia sẻ bài bản, hữu ích về các nội dung: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp; Phương pháp xác định giá trị thương hiệu; Xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong đó kinh nghiệm thực tiễn và tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển thương hiệu dệt may Việt Nam được các học viên đặt câu hỏi và thảo luận sôi nổi.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty Phát triển thương hiệu Sao Kim đã chia sẻ những nhận định về thương hiệu May 10: May 10 là một thương hiệu lớn, có lịch sử lâu đời trong ngành dệt may Việt Nam và cũng đã phát triển được hình ảnh thương hiệu tốt trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế của doanh nghiệp hiện nay thì việc phát triển thương hiệu May 10 tại thị trường nội địa vẫn chưa đạt được đến tầm vị thế xứng đáng của công ty. Với quy mô như hiện nay thì tiềm năng May 10 có thể khai thác tại thị trường trong nước vẫn rất lớn và đa dạng. Để xây dựng chiến lược thương hiệu hiệu quả việc đầu tiên May 10 cần làm là tập trung phát triển thương hiệu cho thị trường nội địa. Việc đó bắt đầu từ việc nghiên cứu để tạo ra dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Bên cạnh đó cần thúc đẩy xây dựng thương hiệu phục vụ riêng cho thị trường Việt Nam”.
Hiện nay, tình trạng hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra phức tạp; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Đây cũng được coi là phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Đỗ Thị Minh Thủy - Trưởng phòng Thanh tra sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì doanh nghiệp cần tiến hành những biện pháp phù hợp với qui định của pháp luật. Trong đó có biện pháp tự bảo vệ bằng công nghệ, cảnh báo với người vi phạm, yêu cầu cơ quan hành chính, cơ quan có chức năng xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Biện pháp thứ 3 là khởi kiện tại tòa án, doanh nghiệp có quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Biện pháp cuối cùng là khởi tố hình sự. Hiện tại biện pháp xử lý hành chính đang được các doanh nghiệp sử dụng khá phổ biến vì ưu thế nhanh gọn và nhanh chóng yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.”
Nâng cao hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp là một việc làm đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa trong việc đảm bảo một trong những yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do FTAs đặt ra đối với các doanh nghiệp dệt may hiện nay.
Theo May10