Thứ Sáu, 22/11/2024 06:16:43 GMT+7
Lượt xem: 3195

Tin đăng lúc 12-11-2017

Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp

Ngày 11/11, Báo Công an nhân dân đã phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam (VTV9) tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp”. Tham gia buổi Tọa đàm có đại diện Văn phòng 389 quốc gia, Bộ Công an, Bộ Khoa học – Công nghệ.
Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Theo thống kê, từ 2014- 10/2017, cả nước đã xử lý hơn 44,5 ngàn vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái hàng giả. Trong đó có những vụ việc nổi cộm như công ty TNHH TS Việt Nam sản xuất mỹ phẩm giả với giá trị hơn 10 tỷ đồng; công ty Khai Silk bán lụa Trung Quốc trong thời gian dài là những vụ việc điển hình trong sản xuất và kinh doanh hàng giả…chính điều này đã khiến cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã trở thành một thực trạng nhức nhối, lây lan nhanh, ngày càng tinh vi, tàn phá kinh tế xã hội, phá hoại cạnh tranh công bằng và gây ảnh hưởng rất xấu đến quyền lợi của các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh chân chính. 

 

Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia, tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không đảm bảo chất lượng; hàng giả, hàng lậu không ghi rõ thành phần, hàm lượng, công dụng, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng của thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho sản xuất, nuôi trồng dược liệu trong nước.

 

Tại buổi Tọa đàm, đại diện báo Công an nhân dân cho biết, lâu nay hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa thể triệt để để loại trừ hoàn toàn. Các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt ngọn vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một đánh giá nào thống kê đầy đủ về những thiệt hại do vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây ra, nhưng chắc chắn, thiệt hại của chúng gây ra cho nền kinh tế là cực lớn.

 

Trên thực tế, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng thời gian qua đã hoạt động với phương thức hết sức tinh vi. Với thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm SHTT là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng: Tội phạm thường tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ. Nên khi bị phát hiện ở một khâu, một công đoạn nào đó thì các đối tượng có thể nhanh chóng tẩu tán tang vật ở những khâu khác nhằm tiêu hủy chứng cứ.

 

Vấn nạn hàng giả không thể thực hiện trong chốc lát, vì vậy để ngăn chặn hàng gian, hàng giả cần có sự phối hợp của toàn xã hội. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với bộ phận quản lý thị trường đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ cho bộ phận này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

 

NH

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang