Thứ Sáu, 22/11/2024 18:31:33 GMT+7
Lượt xem: 2706

Tin đăng lúc 28-11-2016

Nâng cao năng lực cạnh tranh, điều kiện sống còn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ hội nhập

Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 500 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Hàng năm, các DNVVN đóng góp trên 40% GDP, thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước và tạo thêm một triệu việc làm mới mỗi năm.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, điều kiện sống còn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ hội nhập
Đừng để DN vừa và nhỏ thua ngay trên sân nhà

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn trên thị trường thế giới. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Các DNVVN có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước nhà, đặc biệt, sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có hiệu lực, DNVVN càng khẳng định được tầm quan trọng và chỗ đứng trong thị trường Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu của quá trình đổi mới, phát triển và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì DNVVN vẫn còn nhiều yếu kém, sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với những lợi thế có được. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của DNVVN trong tiến trình hội nhập có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia.

 

Theo thống kê mới nhất, số lượng DNVVN hiện nay ở nước ta chiếm khoảng 98% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Trong đó, số doanh nghiệp vừa chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6% và 68,2% còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ. Đến năm 2018, nhiều cam kết quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ có hiệu lực, yêu cầu cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhóm các doanh nghiệp này là vô cùng cấp bách.

 

Trong nền kinh tế, khu vực DNVVN có một vai trò quan trọng, là nhân tố chủ đạo trong việc tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; là trụ cột của kinh tế địa phương, đóng góp quan trọng vào việc cung ứng hàng hóa, thu ngân sách; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước… Trong bối cảnh mới hiện nay, DNVVN có những điểm mà nếu tận dụng và khai thác tốt thì cơ hội phát triển cho cho các doanh nghiệp này là rất lớn. Theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thì “Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vô cùng lớn, vì khi hội nhập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào thị trường thế giới, một thị trường vô tận cho các doanh nghiệp và đây cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu”.

         

Bước vào sân chơi hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNVVN có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngược lại, Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường, do đó mức độ cạnh tranh về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sẽ khốc liệt hơn. Khi mà các nhà đầu tư tràn vào Việt Nam, lượng hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều với quy trình sản xuất hiện đại, đa dạng về chủng loại, đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng, phù hợp với giá cả, nên có ưu thế cạnh tranh hơn so với hàng hóa nội địa.

         

Thách thức lớn nhất là các doanh nghiệp trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ doanh nghiệp nước ngoài, trong đó DNVVN là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các doanh nghiệp này thiếu chuyên gia, thợ bậc cao và người lao động có kĩ thuật, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, trình độ, cũng như công tác quản lý trong các DNVVN của nước ta vẫn còn đang ở mức thấp so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, để cải thiện và ứng phó với sự cạnh tranh sắp tới, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải chuẩn bị chu đáo, khi phải đối mặt với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng hợp lý với người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, cần phải chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp để giữ vững thị phần trong nước, đồng thời, tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.

         

Thiếu vốn luôn là vấn đề nan giải của các DNVVN, đây là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trước thềm hội nhập. Nhận thức được tầm quan trọng và vị trí của cộng đồng DNVVN Việt Nam, những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp với các nhóm công việc chủ yếu như duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tạo khuôn khổ pháp lý với quy trình thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Điển hình, ngày 22/4/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho ra mắt Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với số vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng, Quỹ ra đời sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh, đổi mới phát triển sản phẩm, có tính cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường. Đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật với công nghệ tiên tiến, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

      

Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Khi các doanh nghiệp nhận được các khoản vốn hỗ trợ từ Quỹ, sẽ được tham gia các chương trình về tăng cường năng lực của Quỹ, cũng như nhận được các dịch vụ, sản phẩm ưu đãi từ phía ngân hàng ủy thác. Theo kế hoạch hoạt động năm 2016, do Hội đồng quản lý quỹ phê duyệt, Quỹ sẽ có bốn chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, triển khai Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ phối hợp với các ngân hàng, để xây dựng các bộ chỉ số đánh giá về năng lực tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tiến tới là sử dụng đồng nhất các bộ chỉ số này trong hoạt động ủy thác, cho vay của quỹ, để giảm thiểu các yêu cầu về tài sản bảo đảm và đơn giản hóa hồ sơ cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

        

  Hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng quyết liệt, do đó việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay./.

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang