Sáng 26/3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh và phát triển các loại hình doanh nghiệp. Do đó, hội thảo lần này là điều kiện để các đại biểu cơ quan, bộ ngành, chuyên gia kinh tế phân tích, đánh giá làm rõ hơn một số nhóm vấn đề và các đề xuất, kiến nghị, các giải pháp. Từ đó để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn liền với đổi mới, phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo thông tin tại hội thảo,hiện nay môi trường kinh doanh của nước ta chưa có nhiều cải thiện. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam hiện đứng thứ 90/189 nền kinh tế, chỉ đạt mức điểm trên trung bình (62,1/100). Những nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam được Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 chỉ ra gồm tiếp cận tài chính, chính sách không ổn định, lao động qua đào tạo không đủ và kỷ luật lao động kém…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên trước hết là do chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của việc cải thiện môi trường kinh doanh trong phát triển kinh tế. Chưa tập trung và huy động được nguồn lực và cơ chế, chính sách phù hợp để hiện thực hóa việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, nâng cao năng lực đổi mới và sáng tạo...
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho rằng, hiện nhiều chính sách ban hành vẫn chưa tạo được động lực để doanh nghiệp phát triển. “Nếu đánh giá một cách công bằng, chúng ta mới đang ở trong giai đoạn chuẩn bị. Việc nêu ra việc tìm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa có sự hỗ trợ thật quyết liệt, cụ thể để tác động trực tiếp vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta tổ chức các cuộc hội thảo hay nêu cao nhận thức chưa đủ mà cần phải có hành động cụ thể từ phía Nhà nước như cần lập nên một quỹ hỗ trợ, các Ban công tác cần đến thẳng các doanh nghiệp họ cần những điều gì, vướng vào những khó khăn nào để có những chính sách giúp doanh nghiệp tháo gỡ,” ông Hà nói.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, chất lượng thể chế đóng vai trò mấu chốt trong xã hội. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần có thị trường tài chính mạnh mẽ hơn nữa, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm cơ chế, nâng cao năng suất bằng đổi mới công nghệ…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần chọn những doanh nghiệp có tiềm năng nhất để hỗ trợ để doanh nghiệp vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Từ đó trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển đổi mới sáng tạo trong xu thế mới.
“Các doanh nghiệp cần phải thay đổi quản trị và nắm bắt tốt thông tin về thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Hãy tập trung vào sáng tạo, tìm lợi nhuận chân chính. Doanh nghiệp phải đảm bảo sự minh bạch, liêm chính, thay vì tìm những mối quan hệ để tìm kiếm lợi nhuận bất minh. Có như thế mới bắt kịp yêu cầu của giai đoạn mới. Bên cạnh việc chính phủ phải nâng cấp mình lên để đạt chuẩn mực quốc tế, thì doanh nghiệp cũng phải nâng cấp mình,” Chủ tịch VCCI gợi ý./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV