Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn dàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2013-2014, đã xếp Việt Nam đứng hạng 70/148 quốc gia được xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh (NLCT), tăng 5 bậc so với năm trước, song vẫn ở mặt bằng thấp, chậm cải thiện và thua sút so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ: World Economic Forum: The Global Competitiveness Report 2013 – 2014. (http://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2013-2014)
So với các nước Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thua xa các nước trong khu vực, chỉ bằng 2,99% của Singapore, 14,83% của Malaysia, 26,91% của Thailand, 42,54% của Indonesia và 58,45% của Philippines; chỉ đứng trên 3 nước Lào, Campuchia và Myanmar. Tương tự như vậy, chỉ số NLCT của Việt Nam cũng chỉ đứng trên các nước Lào, Campuchia, Đông Timo và Myanma và thua xa các nước còn lại trong khu vực (Bảng 1).
Theo Michael Porter, khái niệm có ý nghĩa duy nhất về NLCT là năng suất (Productivity), hay nói cách khác năng suất là yếu tố quan trọng nhất trong việc nâng cao NLCT, duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong những năm gần đây, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam, tuy được cải thiện, nhưng tăng chậm và có nhiều điểm bất cập:
- Từ năm 2009-2012, NSLĐ trung bình của toàn bộ nền kinh tế tăng ở mức là 3,2%/năm và đạt mức 5,1% cho khu vực sản xuất, trong khi tiền lương danh nghĩa tăng trung bình 25,9% cho toàn bộ nền kinh tế và 23,5% cho khu vực sản xuất 1. Như vậy tăng lương đã vượt xa mức tăng NSLĐ.
- Xét theo giá trị tuyệt đối, NSLĐ của Việt Nam còn thua xa các nước trong khu vực. Theo báo cáo của Tổ chức năng suất Châu Á (APO, 2012), NSLĐ của Việt Nam 2010, tính theo sức mua tương đương năm 2005, đạt 5.300 USD/người, chỉ bằng 5,89% của Singapore (89.900 USD), bằng 15,14% của Maylaysia (35.000 USD), 34,64% của Thái Lan (15.300 USD), 56,58% của Philippines (9.400 USD) và 58,89% của Indonesia (9.000 USD), chỉ hơn NSLĐ của Lào (4.800 USD) và Myanmar (3.200 USD).
Dưới đây là NSLĐ theo giá thực tế của Việt Nam những năm gần đây.
Bảng 2. NSLĐ theo giá thực tế (triệu VND/người).
Tên chỉ tiêu |
2008 |
2010 |
2011 |
2012 |
Ước 2013 |
Năng suất lao động giá thực tế (triệu đồng/ người) |
21,4 |
44,0 |
55,2 |
62,8 |
68,4 |
- Nông, lâm nghiệp – thủy sản |
7,4 |
16,8 |
22,9 |
26,1 |
26,8 |
- Công nghiệp – xây dựng |
45,2 |
78,9 |
98,3 |
114,4 |
124,2 |
- Dịch vụ |
35,0 |
56,9 |
76,5 |
83,3 |
92,6 |
Nguồn: Kinh tế Việt Nam & Thế giới 2013 – 2014; Trang 46.
- Hiệu quả sử dụng vốn và yếu tố TFP đóng góp vào tăng trưởng, phản ánh NSLĐ của nền kinh tế, trong những năm gần đây vẫn đang ở mức “báo động”. Hệ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 là 6,2, tuy đã giảm xuống 5,6 giai đoạn 2011-2013, song vẫn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi so với nhiều nước 2. Theo tính toán của Bùi Trinh, yếu tố TFP trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm đi nhanh chóng từ 22.62% (2002 - 2006) xuống 6.44% (2007 - 2012) 3.
Bảng 3. Đóng góp của K, L, TFP vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam (2000 - 2012)
|
Vốn |
Lao động |
TFP |
2000-2006 |
49,95 |
27,42 |
22,62 |
2007-2012 |
69,33 |
24,23 |
6,44 |
2008-2012 |
67,69 |
23,07 |
9,24 |
Nguồn: Bùi Trinh – Kỷ yếu “Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013”, tháng 9/2013; trang 297.
Một nền kinh tế còn nhiều hạn chế về NSLĐ, thâm dụng tài nguyên, lao động; chi phí lao động (tiền lương) tăng nhanh không tương xứng với tăng NSLĐ, hiệu quả đầu tư thấp… là những nguyên nhân trực tiếp làm cho NLCT của Việt Nam hiện nay còn thấp và nhiều bất cập.
Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận định: “Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại, xã hội có không ít vấn đề bức xúc” (Báo Nhân dân, 02/01/2014). Gần đây GS.Kenichi Ohno, người đã có trên 20 năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho rằng, “bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở Việt Nam”, (TB KTSG Online, 26/03/2014).
Những phân tích và nhận định trên cho thấy, nâng cao năng lực cạnh tranh, đã trở thành nhiệm vụ “sống còn” đối với cả nền kinh tế và đối với mỗi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong điều kiện toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, thì “Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững", (Nguyễn Tấn Dũng, 2014). Để nâng cao NLCT của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp cơ bản và cấp thiết.
Thứ nhất, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế là nhân tố cơ bản, có tính bức thiết và là giải pháp đột phá không thể chậm trễ ở nước ta hiện nay. Đây là vấn đề mà giới chuyên gia và các nhà chính trị đều đã khẳng định, Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ: “Không thể có được NLCT cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại” 4 và “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân” 5. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới tư duy về vai trò của Nhà nước, từ “Nhà nước quản lý” sang “Nhà nước kiến tạo phát triển”, theo đó cần: (i) Giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế, phát huy vai trò tích cực của cơ chế thị trường; (ii) Các DNNN cần trở về đúng chức năng “tiên phong”, “kiến tạo” và là “bà đỡ” trong nền kinh tế, không nên sử dụng DNNN như là công cụ can thiệp, điều tiết vĩ mô, vì điều đó sẽ vi phạm luật thị trường và phát sinh các hệ lụy ngoài ý muốn; (iii) Cần luật hóa và thể chế hóa việc quản lý, giám sát nợ công và đầu tư công, trên nguyên tắc minh bạch, hiệu quả và hội nhập các chuẩn mực quốc tế. Trước mắt việc hoàn thiện và ban hành Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế.
Thứ hai, để nâng cao NLCT của nền kinh tế, xét đến cùng, nhân tố quyết định là phải nâng cao NSLĐ. Do vậy, việc nâng cao NSLĐ phải trở thành mệnh lệnh và hành động trong cả quản lý vĩ mô và quản lý vi mô.
Đối với cấp độ quản lý vĩ mô, trong thời gian tới, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, lành mạnh hóa, minh bạch hóa, thông thoáng và đơn giản hóa các thủ tục quản lý kinh tế, có các biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống tham ô, tiêu cực… phải được thực hiện quyết liệt và có hiệu quả. Mấu chốt để thực hiện có hiệu quả các biện pháp này, là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nhà nước, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật và ý thức phục vụ của bộ máy công quyền.
Đối với cấp độ quản lý vi mô, đặc biệt là các doanh nghiệp, nâng cao NLCT đòi hỏi phải có chiến lược kinh doanh phù hợp, tăng cường đầu tư cho KHCN, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Trong nền kinh tế, các doanh nghiệp chính là hạt nhân cấu thành nền kinh tế, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thì nền kinh tế mới phát triển bền vững. Do vậy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, không chỉ là việc làm của doanh nghiệp, mà phải là sự “kiến tạo” của các cơ quan quản lý nhà nước. Điểm mấu chốt, phải là tạo ra môi trường thực thi quyền làm chủ thực sự của người dân, đó chính là người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Thứ ba, để nâng cao NLCT, giải pháp quan trọng là phải tạo ra được những điều kiện để đổi mới công nghệ sản xuất ở các doanh nghiệp. Cầu nối gắn kết giữa cung và cầu cho đổi mới công nghệ, chính là thị trường KHCN. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự quan tâm của cả xã hội đến các thị trường “nóng’ như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, bên cạnh các thị trường khác như thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường sức lao động.
Tuy nhiên, còn một thị trường khá trầm lắng, là thị trường KHCN, nhưng lại ít được nhắc đến và cũng chưa trở thành nỗi bức xúc của xã hội và doanh nghiệp. Do vậy theo chúng tôi, phát triển thị trường KHCN cần được quan tâm đúng mức hơn, phải coi đây là khâu đột phá để phát triển KHCN nhằm phục vụ cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế. Để thúc đẩy thị trường KHCN phát triển, cần phải có các giải pháp đồng bộ cả về phía cung và phía cầu, song trước hết cần phải khơi thông các điểm nghẽn về thế chế quản lý KHCN như quản lý tài chính, quản lý sản phẩm trí tuệ, các chính sách khuyến khích nghiên cứu sáng tạo, nghiên cứu triển khai...
Thứ tư, liên quan đến các giải pháp trên, thì vấn đề cơ bản, bao trùm là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, mà đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định. Tái cấu trúc nền kinh tế nhằm chuyển mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, mở rộng quy mô đầu tư, sang mô hình tăng trưởng dựa trên lợi thế so sánh động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, chú trọng chất lượng, hiệu quả, là giải pháp chiến lược, nhằm nâng cao NLCT của nền kinh tế, hướng đến phát triển nhanh và bền vững.
Thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện “3 khâu đột phá chiến lược” của nền kinh tế về thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, thì việc tái cầu trúc nền kinh tế, theo chúng tôi, cần hướng vào các nội dung ưu tiên như: (i) Tập trung đầu tư và phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn, dựa trên cơ sở nâng cao NSLĐ và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; (ii) Tái cấu trúc khu vực công nghiệp, cần tập trung gia tăng các sản phẩm công nghiệp chế biến, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; tăng cường đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp; (iii) Đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực DNNN và hệ thống NHTM; (iv) Tăng cường liên kết kinh tế vùng, tạo đột phá với các cực tăng trưởng bằng cách triển khai mô hình đặc khu kinh tế, chính quyền đô thị.
Tóm lại, nâng cao NLCT của nền kinh tế là yếu tố có ý nghĩa quyết định và cấp thiết để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện, trên cơ sở phải nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế, thực hiện dân chủ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả của Chính phủ. Nâng cao NLCT chỉ thực sự trở thành hiện thực khi có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Chí Hải - Trưởng khoa Kinh tế,
Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM