Kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2010 – 2015 có bước tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân trong 5 năm ước đạt 9,11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2015: khu vực nông, lâm nghiệp đạt 23,1%, giảm 6,76%; công nghiệp – xây dựng đạt 31,35%, tăng 1,26%; dịch vụ chiếm 45,55%, tăng 5,48% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015, ước đạt 23,6 triệu VNĐ (tương đương 1.130 USD), gấp 1,89 lần so với năm 2010.
Nông nghiệp phát triển khá, đã phát huy, khai thác được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, mặt nước, kinh nghiệm sản xuất. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Nâng cao chất lượng khuyến nông, áp dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 241,7 ngàn tấn, tăng 8,61% so với năm 2010. Lương thực bình quân 446 kg/người (vượt mục tiêu NQ Đại hội XII).
Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp có sự chuyển đổi theo hướng nâng cao hiệu quả. Một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được ban hành và triển khai thực hiện có tác dụng tích cực. Cây công nghiệp phát triển gắn với quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng. Đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư trồng cây công nghiệp, trồng rừng, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu (chè, cà phê, cao su...).
Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, bước đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (giá so sánh 2010) ước đạt 2.518 tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân 12,8%/năm. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, khai thác khoáng sản. Một số dự án đã và đang triển khai, phát huy hiệu quả (thủy điện, vật liệu xây dựng...). Tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ngành nghề thủ công như: Thêu, dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế biến gỗ... phục vụ du lịch, tích cực giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.
Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông có nhiều cải thiện, bộ mặt đô thị, nhiều vùng dân cư nông thôn đổi thay đáng kể. Có 130/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 116/130 xã, phường, thị trấn đi lại được quanh năm. Đã lập, phê duyệt cấp sửa chữa, xây dựng các công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho trên 17.118 ha, tăng 719 ha so với năm 2010.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng lưới điện, tổng công suất thủy điện trong tỉnh đạt 80,54 MW. 126/130 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia. Còn 4 xã, trong đó 1 xã trắng và 3 xã mới có một số bản có điện. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 83,4%. Tỷ lệ dân khu vực đô thị cấp nước sạch đạt 97,49%, tăng 3,65%. Khu vực nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 61,18%, tăng 7,23% so với năm 2010. Hạ tầng thông tin liên lạc phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân dân.
Cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế tiếp tục đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Có trên 60% huyện, thị xã, thành phố có trung tâm văn hóa, thể thao, 32% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, thể thao, 16% thôn, bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Triển khai đồng bộ và tập trung đầu tư nguồn lực cho giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Tỉnh uỷ. Thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án thuộc Nghị quyết 30a và các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng KT – XH, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người lao động. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,4% (riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm 5,88%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,01% năm 2010 xuống còn 28,01% năm 2015. Số hộ thoát nghèo là 18.844 hộ.
Chính sách an sinh xã hội triển khai kịp thời, có hiệu quả, đúng đối tượng. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công và bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, người tàn tật, công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội... Huy động nguồn lực xã hội hóa cho xóa đói giảm nghèo, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế triển khai thực hiện kịp thời.
Qua 5 năm, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đoàn kết, nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh và đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội XII đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng. Kết cấu hạ tầng, KT – XH tiếp tục được đầu tư. Văn hóa – xã hội chuyển biến tích cực. Các vấn đề xã hội bức xúc được chỉ đạo giải quyết có kết quả, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đời sống của nhân dân được nâng lên. Chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh giữ vững. Quan hệ đối ngoại mở rộng, khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm có nhiều tiến bộ. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng ở các nội dung và nhiệm vụ.
Bước sang năm 2016, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam. Những thành tựu to lớn của đất nước đạt được sau 30 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ cao trong phát triển KT – XH, các chương trình, dự án ưu tiên phát triển vùng, miền khó khăn tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển. Những kết quả đã đạt được và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Đảng bộ tỉnh... là điều kiện thuận lợi và tiền đề quan trọng để xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn mới.
Với những điều kiện và thời cơ thuận lợi đó, bằng các giải pháp khoa học, đồng bộ, sát hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là đổi mới tư duy của lãnh đạo các cấp trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong tương lai không xa, Điện Biên sẽ có bước đột phá vươn lên, xứng đáng là trung tâm du lịch của Tây Bắc trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Xuân Trường