Chủ Nhật, 24/11/2024 05:38:42 GMT+7
Lượt xem: 588

Tin đăng lúc 09-11-2022

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội đã, đang triển khai tập huấn cho doanh nghiệp các kỹ năng đàm phán trong thương mại quốc tế và hướng dẫn xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp ngành gỗ đang đối mặt với nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu.

Theo đại diện một doanh nghiệp ngành gốm sứ Bát Tràng, do phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đồng thời do kỹ năng giao dịch thương mại, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu chưa chuyên nghiệp nên thị phần xuất khẩu trong những năm gần đây bị sụt giảm và có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

 

Tương tự, báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho thấy, ngành gỗ chủ yếu bị kiện phòng vệ thương mại từ thị trường Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng gần đây đã có thêm nhiều thị trường khác, đặc biệt là Canada, Hoa Kỳ. Trong đó, Canada đã điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút của Việt Nam xuất khẩu với mức thuế khá nặng, trên dưới 10%. Dù không phải tất cả các doanh nghiệp bị chặn đường xuất khẩu, nhưng nhìn tổng thiệt hại một số các mặt hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao sẽ thấy thiệt hại là rất lớn.

 

Đánh giá về năng lực ứng phó của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, bất cập hiện nay của nhiều doanh nghiệp đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để có thể theo dõi ứng phó một cách linh hoạt. Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp còn yếu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm chuyển đổi số, chưa áp dụng những phần mềm kế toán tiên tiến đủ độ tin cậy và có tính linh hoạt cao…

 

Trước thực tế đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã, đang tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức về đàm phán trong giao dịch thương mại, trang bị kỹ năng ký kết hợp đồng; nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp và hiệp hội về các biện pháp phòng vệ thương mại, hiểu được quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại; rút ra được các bài học kinh nghiệm và từ đó nắm được phương hướng, cách thức xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam một cách chủ động và hiệu quả.

 

Còn theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân, sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa ổn định, chưa nắm vững kiến thức pháp luật, những hiệp định, rào cản trong giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Vì vậy, đây là cơ hội tập huấn hữu ích, trao đổi thông tin để doanh nghiệp nắm vững hơn các kỹ thuật đàm phán, giao dịch thương mại; điều này có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Bên cạnh việc hướng dẫn doanh nghiệp những quy định chung về phòng vệ thương mại, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại hiện nay, quy trình thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại... Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai các hoạt động cảnh báo sớm; tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ, hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện, các kịch bản có thể xảy ra đối với ngành.

 

Đây là cơ hội dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao nhận thức, năng lực xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên thế giới đang gia tăng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu bền vững, hiệu quả, bảo đảm sự cạnh tranh với hàng xuất khẩu của các quốc gia khác.

 

Theo Hanoimoi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang