Thứ Bẩy, 23/11/2024 12:52:31 GMT+7
Lượt xem: 3471

Tin đăng lúc 17-07-2016

Nâng cao năng suất lao động tại các nhà máy nhiệt điện - Nhìn từ vấn đề công nghệ

Nâng cao năng suất lao động là động lực để phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành điện trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tại các nhà máy nhiệt điện đốt than, bên cạnh các công cụ quản lý thì công nghệ được xem là yếu tố then chốt quyết định năng suất lao động và hiệu suất của các nhà máy.
Nâng cao năng suất lao động tại các nhà máy nhiệt điện - Nhìn từ vấn đề công nghệ
Trung tâm điều khiển Nhà máy Nhiệt điện Na Dương

Theo Tiến sĩ Hoàng Tiến Dũng - Viện Trưởng Viện Năng lượng, trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, ngành điện đã chứng tỏ được khả năng nâng cao độ khả dụng các công trình, mặc dù đội ngũ các nhà máy điện ngày một cũ. Nếu như nhìn nhận một cách khách quan, trong hơn 20 năm qua, những nhà máy nhiệt điện được đầu tư sau với công nghệ hiện đại hơn thì hiệu suất cũng cao hơn và lực lượng lao động cũng giảm đi. Điển hình như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 được xây dựng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước với công suất thiết kế ban đầu là 440 MW công nghệ của Liên Xô cũ, tuy nhiên nhà máy này sử dụng đến trên 2.000 lao động và hiệu suất nhà máy đạt khoảng 35%, sau khi tái cơ cấu chuyển đổi thành mô hình Công ty cổ phần thì lực lượng lao động của nhà máy 1 vẫn còn vào khoảng 1.000 lao động. Năm 2003, khi nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 chính thức hoàn thành xây dựng với công suất 600 MW sử dụng công nghệ hiện đại của các nước: Mỹ, Đức, Nhật, Pháp thì chỉ sử dụng khoảng hơn 400 lao động và hiệu suất nhà máy đạt đến 40%. Điều này cho thấy, tác động của công nghệ đến năng suất lao động và hiệu suất tại các nhà máy nhiệt điện đốt than là rất rõ nét.

 

“Như vậy, để nâng cao năng suất lao động ở các nhà máy nhiệt điện, tất yếu phải có các đòn bẩy thích hợp để nâng cao hiệu suất hoặc ở các dạng biện pháp về vận hành hoặc thông qua việc cải tạo nhà máy và phải kết hợp với các hình thức phù hợp. Có những nhà máy trước kia bình quân công suất phát điện/1 CBCNV vào khoảng 0,25 MW thì nay, với việc đổi mới công nghệ, phối trộn nguyên liệu than cho sản xuất, cùng với đó là sắp xếp lại lao động thì công suất phát điện/1 CBCNV đã tăng lên vào khoảng 0,8 MW (Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng…)” - ông Dũng chia sẻ.

 

Một vấn đề đặt ra đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than, đó là không phải loại than nào cũng sử dụng được cho các loại hình công nghệ. Tại các nhà máy nhiệt điện của Tổng công  ty Điện lực - Vinacomin như: Nhiệt điện Na Dương, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê đều sử dụng công nghệ lò sôi tuần hoàn, sử dụng than chất lượng xấu để sản xuất. Tuy nhiên, để tối ưu hóa cho hệ thống thiết bị cũng như chế độ vận hành của các nhà máy này, Tổng công ty đã chú trọng đẩy mạnh công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Tiêu biểu như sáng kiến áp dụng đốt than của Nhiệt điện Na Dương trong quá trình khởi động tổ máy làm giảm thời gian đốt dầu, qua đó tiết kiệm tiêu hao dầu trong các lần khởi động; hay giảm tỷ lệ các-bon không cháy hết trong tro bằng cách hiệu chỉnh lại các thông số vận hành, nghiên cứu áp dụng các chất phụ gia để thúc đẩy quá trình chát trong lò, nâng cao hiệu suất tổ máy…

 

Như vậy, có thể thấy, việc nâng cao hiệu suất tại các nhà máy nhiệt điện đốt than phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ cũng như các giải pháp mang tính chất khoa học, kỹ thuật chuyên sâu. Việc tăng thêm 1% hiệu suất nhà máy cũng góp phần không nhỏ giúp nhà máy có lợi thế trong việc tăng sức cạnh tranh trên thị trường điện.

 

Để nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện các doanh nghiệp phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, để có những giải pháp khoa học và kỹ thuật tối ưu trong sản xuất, vận hành.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang