Trước thềm Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025 (diễn ra từ ngày 29 đến 31/12 tại Hà Nội), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi điểm lại chặng đường đã đi qua với những dấu ấn đẹp đẽ gắn liền với rất nhiều nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam suốt hành trình 5 năm qua.
Nhiệm kỳ đổi mới sáng tạo, thiết thực, hướng về cơ sở
Trong hành trình 5 năm đầy sôi động vừa qua, ngoài việc củng cố tổ chức, Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện và luôn hiểu rằng sự “thiết thực, hiệu quả” chính là chìa khóa để thu hút, quy tụ hội viên.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động thiết thực, nhất là coi trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho báo giới cả nước.
Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam mỗi năm mở hơn 100 lớp, luôn cập nhật những nội dung mới, bắt nhịp xu hướng thời đại truyền thông số. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã mở tới hơn 574 lớp, với hơn 21.000 lượt nhà báo tham dự dưới sự giảng dạy của các giảng viên uy tín ở trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Hội đã thực hiện nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo về nghiệp vụ, gắn kết các hội viên, nhà báo giao lưu chia sẻ các vấn đề nóng, cấp thiết trong nghề. Không chỉ Trung ương Hội mà các hội nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí lớn cũng rất tích cực trong nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục thực hiện tốt "Đề án Tác phẩm báo chí chất lượng cao" do Chính phủ hỗ trợ, từ đó có rất nhiều tác phẩm chất lượng tham gia Giải Báo chí quốc gia cũng như các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác. Uy tín của Giải Báo chí quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao, trở thành giải thưởng báo chí danh giá nhất đối với những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức thành công hàng chục giải báo chí toàn quốc khác như: Búa liềm Vàng, giải báo chí phòng, chống tham nhũng lãng phí; các giải báo chí về đại đoàn kết toàn dân tộc, dân vận khéo, giảm nghèo, tự hào nông dân Việt Nam, bảo vệ môi trường, vì an ninh tổ quốc, vì nền giáo dục Việt Nam… Bên cạnh đó, các câu lạc bộ báo chí đều có nhiều hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành nổi bật, tạo sân chơi hữu ích cho hội viên.
“Có thể nói, bao trùm lên tất cả là quyết tâm đổi mới nội dung cũng như phương thức hoạt động để tạo nên sức sống mới cho Hội. Bằng những hoạt động hiệu quả, có sức thu hút mạnh đối với hội viên và công chúng báo chí, vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam đối với đời sống báo chí và đời sống xã hội không ngừng được nâng cao”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Đạo đức người làm báo - vấn đề sống còn hàng đầu
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, điểm nổi bật khác trong nhiệm kỳ vừa qua là tinh thần dấn thân, tinh thần cống hiến của các nhà báo trên mặt trận chống tham nhũng tiêu cực, chống đại dịch COVID-19... Tinh thần cống hiến của báo chí được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh, nhất là các hoạt động quan tâm người yếu thế trong xã hội. Điều này đã thể hiện vai trò, vị thế của người làm báo và tinh thần nhân văn của báo chí.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt coi trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí. Việc tu dưỡng, nêu cao đạo đức người làm báo là trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam. Bởi lẽ, đạo đức làm nghề là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí. Đồng thời, cũng phải xây dựng báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn.
Tuy nhiên, ông Hồ Quang Lợi cũng chia sẻ, bên cạnh rất nhiều nhà báo thể hiện tinh thần dấn thân, tinh thần cống hiến, là tấm gương sáng phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, vẫn có một số nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong khi làm nghề.
"Điều này đã làm tổn hại đến danh dự của người làm báo chân chính, làm ảnh hưởng vai trò, uy tín của nghề báo với xã hội. Hội Nhà báo Việt Nam luôn coi đây là vấn đề cần đặc biệt chú ý và thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn sai phạm", ông Hồ Quang Lợi nói.
Hội đã xây dựng, ban hành và tổ chức học tập rộng rãi trong các cấp hội, các cơ quan báo chí 10 điều quy định đạo đức người làm báo, vừa khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo nhưng cũng tăng cường kỷ cương, ngăn chặn sai phạm trong hoạt động báo chí. 10 điều quy định này đã trở thành nguyên tắc làm nghề, là lời cam kết thiêng liêng, giúp người làm báo luôn ý thức được một cách sâu sắc trách nhiệm của mình với xã hội, với đất nước. Ngoài ra, các vấn đề nảy sinh từ mạng xã hội đối với báo chí cũng được Hội Nhà báo Việt Nam nắm bắt kịp thời và ban hành Quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Hội đã thành lập hệ thống các hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương đến địa phương, đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. “Thêm nữa, chúng tôi còn ban hành Quy định 979 về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại các địa phương để đảm bảo quản lý chặt chẽ hội viên hoạt động xa tòa soạn. Đồng thời, Hội đã đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi việc đăng, sửa bài trên báo điện tử và về cơ bản đã ngăn chặn được hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Hằng năm, Hội đều tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát ở các cấp hội... trong nhiệm kỳ”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết.
Chia sẻ về vấn đề kinh tế ở từng cơ quan báo chí trong bối cảnh tự chủ, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng: "Báo chí đang rất cần được hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính mà còn cần các điều kiện khác nữa để vượt qua khó khăn hiện nay, trong đó, vấn đề nổi cộm nhất vẫn là tự chủ tài chính, cân đối thu chi".
Ở Việt Nam, cơ quan báo chí có 3 nguồn thu chủ yếu là phát hành, bán sản phẩm báo chí, đăng quảng cáo và từ tổ chức sự kiện, cung ứng các dịch vụ xã hội, trong đó, nguồn thu lớn nhất từ đăng quảng cáo. Khi chưa có dịch COVID-19, tạo được nguồn thu từ quảng cáo cũng đã là khó khăn với nhiều cơ quan báo chí, nay thì khó khăn gấp bội. Nguyên nhân lớn nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, do đó ít có nhu cầu và kinh phí cho quảng cáo, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tái sản xuất các sản phẩm báo chí.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan báo chí bắt kịp được xu hướng kinh tế truyền thông hiện đại đã tạo được những sản phẩm báo chí vừa phù hợp tôn chỉ mục đích, vừa tạo được nguồn thu cho tòa soạn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, kinh tế báo chí của cả nước còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, vướng mắc. “Vì vậy, tôi nghĩ, chúng ta vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành. Chúng ta nói đến đặt hàng nhưng đặt hàng thế nào để báo chí sống được lâu dài, bền vững thì cần cơ chế cơ bản, căn cơ”, nhà báo Hồ Quang Lợi đề cập.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng dù ở loại hình nào, báo chí cũng cần cung cấp thông tin một cách chính xác, tin cậy, bổ ích và hiệu quả cho xã hội. Đó chính là yếu tố cốt lõi bảo đảm tính định hướng của báo chí. Nếu làm được như vậy, báo chí sẽ khẳng định được vai trò, uy tín của mình.
Trong thời đại số, mặc dù đang bị các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội cạnh tranh rất gay gắt, nhưng báo chí còn rất nhiều cơ hội không chỉ để sống được mà còn có thể sống khỏe, sống tốt. “Tôi nghĩ, đội ngũ những người làm báo nói chung, nhất là những người đứng đầu ở từng cơ quan báo chí phải nhìn nhận rõ những thách thức và khó khăn chưa từng có mà báo chí đang phải đối mặt, đánh giá đúng thực trạng của mình, xác định được giá trị cốt lõi, từ đó xây dựng đề án phát triển có tính toàn diện, đề ra những kế sách vượt khó, xác định thứ tự ưu tiên, việc gì cần làm trước, việc gì cần thay đổi ngay... thống nhất ý chí và hành động của cả tập thể người làm báo để cùng vào cuộc”, ông Hồ Quang Lợi nói.
Để có được một tòa soạn hành động thì mỗi nhà báo phải nỗ lực nâng cao chất lượng từng tác phẩm của mình. Ngòi bút nhà báo luôn thể hiện được tính khách quan, tôn trọng sự thật, lan tỏa được những điều tốt đẹp, không khoan nhượng trước cái ác, cái xấu, bảo vệ được công lý và lẽ phải. Với những người làm báo, trách nhiệm nặng nề nhưng niềm vinh quang mà nghề nghiệp mang đến cũng rất to lớn. Đó cũng chính là động lực mạnh mẽ để chúng ta tin tưởng và kiên định vào con đường mà mình đã lựa chọn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định.
Báo chí chịu tác động mạnh mẽ nhất của chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang là câu chuyện của tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó báo chí là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của quá trình này.
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, với tư cách là một ngành nghề luôn phản ứng nhanh nhạy với mọi biến động xã hội, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Vì thế, báo chí tất nhiên phải là lĩnh vực đi đầu trong công cuộc này. Thậm chí, để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, chuyển đổi số phải là xu thế tất yếu của các báo hiện nay.
Chuyển đổi số trong báo chí không đơn thuần là đưa thông tin lên mạng Internet, nó còn phải thể hiện ở cả các hoạt động mang tính cốt lõi, đó là sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí. Xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm; có sự thống nhất và phân chia nhiệm vụ giữa các bộ phận xuất bản in ấn, phát thanh, truyền hình, điện tử... nhằm thông tin đến với công chúng hiệu quả nhất.
Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng chuyển đổi số đang và sẽ mang lại cơ hội chưa từng có, mở ra chân trời phát triển mới cho hoạt động báo chí. Nhờ có chuyển đổi số, các sản phẩm báo chí sẽ ngày một đa dạng, phong phú và chất lượng hơn. Chuyển đổi số còn giúp tăng mạnh mẽ tính tương tác giữa người làm báo với công chúng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Ngoài ra, chuyển đổi số sẽ giúp công tác điều hành cơ quan báo chí cũng như ở các cấp Hội Nhà báo nhanh, trực tiếp và hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh thêm về phương hướng hoạt động sắp tới, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm báo trong thực hiện chuyển đổi số, làm chủ công nghệ để tỏ rõ sức mạnh, vai trò của báo chí với mạng xã hội, các nền tảng khác.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng mong muốn phối hợp với Bộ TT&TT thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, trong đó có việc tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số.
Theo Baochinhphu