Hiện nay, tại nhiều đại phương, các chợ truyền thống, chợ nông thôn đã được chính quyền quan tâm đầu tư cải tạo, xây mới theo Chương trình Nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm (ATTP). Nhờ đó, các chợ tổ chức, bố trí khu vực bày bán hàng hóa, khu vực giết mổ, kinh doanh hàng tươi sống riêng biệt, quầy kệ gọn gàng vừa tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán vừa đảm bảo vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, các tiểu thương còn được tập huấn kiến thức về ATTP, thực hiện truy suất nguồn gốc, giúp cho việc chấp hành các quy định về ATTP được nâng lên đáng kể.
Ông Đỗ Thế Hà - Trưởng Ban quản lý chợ Cầu Bươu cho biết: Chợ Cầu Bươu được UBND huyện Thanh Trì công nhận là chợ văn minh thương mại, ATTP. Bám sát các quy định của nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cấp ngành, Ban quản lý chợ luôn quan tâm, chú trọng các nội dụng vệ sinh môi trường, ATTP, PCCC. Đối với công tác ATTP, các hộ kinh doanh trong chợ đều có giấy phép kinh doanh, được tập huấn về ATTP. Ban quản lý yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ký cam kết kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc rõ rang, đảm bảo ATTP. Các hộ kinh doanh thịt phải để trên bàn INOX cao; kinh doanh rau, hoa quả phải để trên giá, kệ cao.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, thực hiện đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, phòng Kinh tế đã tham mưu UBND huyện kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định tại Đề án đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ; Cấp biển nhận diện cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm có vị trí cố định tại chợ Tứ Hiệp, Quỳnh Đô, Yên Xá, Cầu Bươu,... Bên cạnh đó, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh các sản phẩm an toàn, đảm bảo ATTP theo quy định, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cấp Giấy chứng nhận/ký cam kết đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở, đơn vị kinh doanh thực phẩm trong chợ. Nhờ đó, công tác quản lý hoạt động chợ trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, hiện đại.
Huyện Thanh trì triển khai mô hình chợ văn minh thương mại góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATTP của các tiểu thương
Ông Hoàng Tiến Sỹ, Giám đốc Ban quản lý chợ Minh Khai chia sẻ: Minh Khai là chợ đầu mối. Mỗi ngày, chợ tiêu thụ khoảng từ 380 - 400 tấn sản phẩm (rau, củ, quả; thủy, hải sản; thực phẩm chín...). Hàng hóa tại chợ không chỉ bán cho người dân địa phương mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong thành phố. Do đó, việc bảo đảm ATTP là hết sức quan trọng. Để đảm bảo ATTP, bên cạnh việc tập huấn, ký cam kết ATTP, Ban quản lý chợ còn chú trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tiểu thương nên đã thường xuyên tuyên truyền, vận động các tiểu thương buôn bán hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất tại những cơ sở uy tín, được cấp phép, được kiểm định,…
Chị Nguyễn Thị Đào (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: Tiểu thương là người biết rõ nhất về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa và có quyền lợi trực tiếp trong việc nhập hàng và bán hàng. Nên việc đảm bảo ATTP phụ thuộc khá nhiều vào ý thức chấp hành pháp luật của các tiểu thương. Nếu vì lợi nhuận, bất chấp các quy định của pháp luật, các tiểu thương buôn bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thì người tiêu dùng rất khó nhận biết. Tuy nhiên, xét cho cùng, tiểu thương cũng là người tiêu dùng nên cùng nhau xây dựng một cộng đồng tiêu dùng có trách nhiệm vì môi sinh an toàn, phát triển.
Minh Tuệ