Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:55:30 GMT+7
Lượt xem: 4038

Tin đăng lúc 23-02-2016

Năng lực lãnh đạo của Đảng kết hợp với sức mạnh đoàn kết các dân tộc và chất lượng công tác của cán bộ, nền tảng của mọi thành công

Tuy là huyện nghèo, ở xa trung tâm tỉnh, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, song được sự quan tâm của TƯ, tỉnh, các ban ngành, với sự năng động, sáng tạo của BCH huyện ủy trong việc chỉ đạo, điều hành các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, với tinh thần đi sâu, đi sát, gắn bó, gần gũi với dân, nắm bắt và đưa ra các giải pháp hiệu quả kịp thời những điều dân mong muốn, nên trong nhiệm kỳ qua, huyện Mường Tè đã gặt hái được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực công tác
Năng lực lãnh đạo của Đảng kết hợp với sức mạnh đoàn kết các dân tộc và chất lượng công tác của cán bộ, nền tảng của mọi thành công
Trụ sở huyện Mường Tè

Cụ thể, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 15,2 triệu đồng/người/năm, đạt 126,7%. Tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, từng bước đáp ứng xu thế và tiến trình của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Sản xuất nông – lâm nghiệp của huyện có bước phát triển khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2015 đạt 17,145 tấn, đạt 63,5% (do diện tích chuyển sang 6 xã Nậm Nhùn). Lương thực bình quân đầu người đạt 399,1kg/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm trên 6,5%. Đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giống, biện pháp thâm canh, cơ giới hóa... góp phần tăng năng suất, hiệu quả, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Kinh tế nông thôn và đời sống nhân dân đã được cải thiện. Công tác khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng luôn được quan tâm, sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển thông qua các chương trình, dự án. Tổng diện tích rừng hiện có là 162.842,98 ha, bảo vệ rừng trên 200.000 lượt ha, khoanh nuôi tái sinh là 65.760,2 ha. Diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2012 đến năm 2015 là 614.884,3 ha. Độ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 61,5%, đạt 111,8% Nghị quyết.

 

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tổ chức, thực hiện sâu rộng hầu hết đến các xã, bản. Nhiều phong trào thi đua được phát động sôi nổi, bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt. Bình quân chung toàn huyện năm 2011 đạt từ 8,92 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2015, có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân chung toàn huyện đã đạt 10,8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

 

Trao thưởng cho các địa phương đạt tiêu chí Xây dựng nông thôn mới 2015

 

Các ngành tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển chủ yếu là gạch, đất nung, đá, cát, sỏi, chế biến nông, lâm sản, sản xuất nông cụ và một số mặt hàng truyền thống như: chăn, đệm, vải thổ cẩm... Sản xuất đá xây các loại đạt 304.000 m3, sản xuất gỗ 485 m3, gạch xây các loại trên 53 triệu viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

 

Khai thác tốt nguồn thu, đảm bảo nguồn thu ổn định, thu ngân sách năm 2015 được 32.178 triệu đồng, đạt 214,5% nghị quyết. Chi ngân sách đảm bảo đúng luật định. Hàng năm đều đảm bảo nguồn chi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ phát sinh. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá ổn định và đạt được nhiều kết quả tốt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 tăng 3%, chuyển dịch cơ cấu trong các năm 2011 đến 2014 từ 21,5% tăng lên 24%.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế được quan tâm, đầu tư. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, cơ bản đi được 4 mùa trong năm, 73% đi được ô tô đến bản, đạt 121,7%. Các tuyến giao thông nội thị cơ bản được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới đồng bộ, bảo đảm theo quy hoạch được duyệt. Đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa kiên cố được 129 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài là 209,8 km, đáp ứng diện tích tưới tiêu trên 1.000 ha. 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện là 65,8%, đạt 109,7%. Đã có 90% số bản được sử dụng nước sinh hoạt từ công trình đầu tư của Nhà nước, đạt 90%, trong đó 80% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các thành phần kinh tế phát triển nhanh, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển KT – XH của huyện. Kinh tế tập thể luôn được quan tâm, tạo điều kiện về vay vốn, hỗ trợ phát triển, mở rộng quy mô, loại hình sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 23 HTX, tăng 8 HTX so với năm 2011, giải quyết việc làm tại chỗ cho 630 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 2 triệu đồng/tháng.

 

Quy mô và mạng lưới trường học tiếp tục được mở rộng, từng bước được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Chất lượng giáo dục được nâng lên, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 99%, tỷ lệ chuyển lớp chuyển cấp đạt 99%, tăng 7,4% so với năm 2011. Tốt nghiệp của học sinh phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên đều tăng so với năm 2011. Các trường dân tộc nội trú và PTDT bán trú tiếp tục được củng cố và đầu tư, duy trì tốt số lượng học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Hệ thống trạm y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được tăng cường, chất lượng chuyên môn, y đức của y, bác sĩ được nâng lên. Huyện đã tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, tăng cường luân chuyển cán bộ xuống cơ sở, thực hiện tốt các chế độ, chính sách trong chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 5,3%/năm.

 

Trong nhiệm kỳ qua, với quyết tâm chính trị cao, phát huy dân chủ, đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã vượt qua khó khăn thử thách, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với nghị quyết Đại hội. Kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Chăn nuôi phát triển, rừng được bảo vệ, thu nhập bình quân đầu người đạt khá, thu ngân sách tại địa phương vượt chỉ tiêu nghị quyết, tổng vốn đầu tư tăng nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tăng cường, chỉ đạo quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều tiến bộ. Các mặt về văn hóa, xã hội được quan tâm, thực hiện tốt các chính sách đến với đồng bào khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Đạt được những thành quả đó là do có sự quan tâm của nhà nước và tỉnh cùng với năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với sức mạnh đoàn kết các dân tộc và chất lượng công tác của mỗi cán bộ công chức trong huyện. Đó là những điều kiện quan trọng quyết định đến thành công và thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

 

Xuân Trường 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang