Đặc biệt, khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, để vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cao điểm mùa nắng nóng 2018 sẽ còn tiếp diễn trong các tháng 5, 6, 7. Nhiệt độ cao nhất trong năm 2018 tại các tỉnh Bắc bộ có thể đạt mức 38-39 độ C, cá biệt một số nơi như Sơn La, Hòa Bình có thể xuất hiện nắng nóng 40 độ C. Tại miền Trung, nắng nóng có thể gay gắt hơn, cao nhất đạt 39-40 độ C, có nơi có thể xảy ra nhiệt độ quanh ngưỡng 41-42 độ C. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, chủ yếu do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng rất cao dẫn đến nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.
Theo ghi nhận của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, trong mấy ngày vừa qua, khi nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, đã dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, thậm chí công suất đỉnh hệ thống đã vượt xa công suất đỉnh cao nhất của năm 2017. Cụ thể, ngày 18/5/2018, công suất đỉnh hệ thống đạt 32.863 MW. Trong khi đó, công suất đỉnh cao nhất năm 2017 vào ngày 09/08/2017 đạt 30.857MW. Như vậy đến nay, công suất đỉnh toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng tới 1788MW so với đỉnh của 2017. Lượng công suất 1788 MW gần bằng công suất của cả Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Trong mấy ngày nắng nóng vừa qua, sản lượng tiêu thụ điện ngày 17/5/2018 đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay - 683 triệu kWh, tăng 41 triệu kWh so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2017 (642 triệu kWh - ngày 09/08/2017). Mức tăng 41 triệu kWh tương đương với sản lượng tiêu thụ của TP Hà Nội ngày có thời tiết bình thường.
Thanh Thảo