Giá trị điểm đến
World Travel Awards là giải thưởng uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực du lịch, được ví như “Giải Oscar của ngành Du lịch thế giới”. Được thành lập từ năm 1993, giải thưởng thường niên này đã ghi nhận, khen thưởng và tôn vinh những tên tuổi xuất sắc hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực của ngành Du lịch trên toàn cầu.
Trong những năm gần đây, việc liên tục giành được những giải thưởng quan trọng của giải thưởng này, như: “Điểm đến hàng đầu thế giới”, “Điểm đến hàng đầu châu Á”… đã nâng tầm vị thế của du lịch Việt trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Năm nay, Việt Nam tiếp tục “bội thu” ở Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 29 với 49 giải thưởng hàng đầu châu Á ở nhiều hạng mục, trong đó có những hạng mục quan trọng: “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2022”, “Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2022” (thuộc về thành phố Hồ Chí Minh), “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2022” (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á 2022” (thuộc về Hà Nội)… Ngoài ra, hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, điểm đến, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam cũng được vinh danh...
Đánh giá về giá trị điểm đến của Việt Nam, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới Graham Cooke cho biết, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và phát huy được những giá trị tài nguyên, bản sắc của mình và có những điểm sáng mang tính đột phá. Đó là lý do mà Việt Nam luôn được đánh giá cao và xứng đáng nhận được những giải thưởng du lịch uy tín.
Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh, việc liên tiếp nhận được những giải thưởng uy tín thế giới cho thấy sức sống của du lịch Việt Nam. Du lịch Việt Nam có nhiều giá trị tiềm năng, nhiều trải nghiệm an toàn, hấp dẫn, chất lượng có thể đáp ứng được nhiều đối tượng du khách, trong đó có cả những dòng khách quốc tế cao cấp.
Phát huy giá trị giải thưởng
Nhiều năm nay, Việt Nam luôn có đề cử được xướng tên tại Giải thưởng Du lịch thế giới cũng như được giới truyền thông quốc tế đánh giá cao. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, đây là lợi thế rất lớn để du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế, tăng sức hấp dẫn trong khâu quảng bá, thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, điều cần nhất lúc này là các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần phát huy được giá trị của những giải thưởng này, để điểm đến xứng tầm với những gì được vinh danh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, những giải thưởng quốc tế dành cho Việt Nam là niềm vui và tự hào của những người làm du lịch, song cũng là trách nhiệm lớn trong việc phát huy giá trị của những giải thưởng này. “Khi được vinh danh ở tầm quốc tế, các địa phương, doanh nghiệp càng cần phải nâng cấp chất lượng dịch vụ một cách chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn, có vậy giải thưởng mới thật sự có giá trị và ý nghĩa”, ông Vũ Thế Bình nói.
Tại cuộc gặp gỡ với Sở Du lịch Hà Nội sau khi Hà Nội nhận giải “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á 2022”, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới Graham Cooke đánh giá, Hà Nội là thành phố của di sản, văn hóa. Vì thế, Hà Nội cần phát huy giá trị là “điểm đến du lịch thành phố” bằng nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, bên cạnh thế mạnh là sản phẩm du lịch văn hóa. Còn với thành phố Hồ Chí Minh, ông Graham Cooke chia sẻ, thành phố sở hữu tiềm năng trở thành một trong những địa điểm tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Phát huy tốt các giá trị của từng điểm đến, Việt Nam thật sự trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực và đại diện du lịch tiềm năng của thế giới.
Về việc phát huy giá trị những giải thưởng đã được vinh danh, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp du lịch xây dựng thêm nhiều dòng sản phẩm mới. Ngoài ra, Hà Nội đang từng bước hình thành thêm dòng sản phẩm du lịch cao cấp là: Du lịch golf, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện).
“Vào tháng 10 tới, Hà Nội sẽ tổ chức Giải Du lịch golf và hội nghị về du lịch MICE. Đây là những sản phẩm cao cấp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành, lưu trú. Hiện tại, Sở đang yêu cầu các đơn vị rà soát lại cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như nâng cấp dịch vụ, bổ sung nguồn nhân lực sau khủng hoảng của dịch Covid-19 để sẵn sàng đón khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách hạng sang đến Hà Nội”, bà Đặng Hương Giang cho biết thêm.
Theo Hanoimoi