Khởi nghiệp từ ý chí thoát nghèo
Nguyễn Thị The sinh năm 1966, tuổi Bính Ngọ, có mẹ làm ruộng, bố là bộ đội tập kết quê Quảng Ngãi. Ông bà nên duyên và định cư tại quê mẹ, thôn Ngọc Nội (Trạm Lộ - Thuận Thành – Bắc Ninh). Năm 1965, ông vào Nam chiến đấu khi The còn trong bụng mẹ. Bố ra đi không trở về, một tay mẹ tần tảo nuôi hai chị em lớn lên trong thời kỳ khôi phục chiến tranh, cả nước cùng khó khăn đói kém. The thi đỗ vào cấp III. Nhưng đường đi học xa vất vả, The cũng lại bỏ học dở chừng. Ít lâu sau, cô hợp duyên với anh bộ đội trẻ Trần Giang, người cùng làng rồi nên vợ, thành chồng năm 1984.
Doanh nhân Nguyễn Thị The
Bấy giờ, Trần Giang đang chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang), anh động viên The học lại. Vậy là The lại cắp sách đến trường, là một học sinh “đặc biệt”. Học một mạch hết Trung cấp Ngân hàng. Thiếu ăn, con mọn đều khắc phục được.
Lấy được bằng trung cấp ngân hàng rồi, nhưng The chưa thể xin được việc, đành lại về quê gánh vác mấy sào ruộng khoán và theo mẹ làm thêm nghề hàng xáo chợ làng. Cảnh làm mướn ráo mồ hôi là hết tiền. Nếu cứ bám đồng ruộng và buôn bán nhỏ chợ làng thì cứ theo lối cũ của ông, bà, cha, mẹ đã đi mà thôi. Phải biến cả làng thành chợ mới có cơ bứt lên được.
Ra đường với cái công nông
Làng Ngọc Nội lâu nay có đội xe thồ làm dịch vụ vận tải. Vợ chồng The bàn mua hẳn công nông đầu ngang làm ăn lớn. Nhưng hỏi đến giá thì ngã ngửa người, những mười sáu triệu đồng. Vốn liếng trong nhà không quá một triệu. Gõ cửa Ngân hàng chỉ được vay không quá hai triệu đồng. Quyết vay lãi cao mua bằng được cái công nông làm cần câu cơm.
Bắt đầu làm ăn mới thấy những khó khăn riêng của nghề. Hễ xe giở chứng lại rước thầy về sửa, quá tốn kém. Mua cát sỏi ở bến cũng cần có vốn, trong khi khách lại trả sau, mà vốn của nhà đã quá cạn kiệt. Chưa kể một số người mua vật liệu rồi, nhưng do làm nhà tốn kém sinh chậm trễ trả tiền. Một khó khăn liền kề rình rập là tai nạn. Dính tai nạn là phá sản, do xe công nông là phương tiện tự chế nên độ an toàn không cao. Câu ca một thời ám ảnh mọi người “Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Chỉ một cú va quệt là mất nghiệp. Đã đâm lao phải theo lao chứ rút lui lúc này là nợ nần đeo đẳng mãi.
Làm gì rồi cũng quen việc. Dịch vụ vận tải công nông nhiều việc dần. Thu nhập so với các nghề khác ở quê như nề, mộc, vận tải ngựa, xe thồ… thì cao hơn nhiều. Song với vợ chồng The, do vay lãi cao gần như toàn bộ vốn xe nên thực chất là nai lưng làm không công cho chủ nợ. Lao động quần quật mà dành dụm chẳng được bao nhiêu. Nếu không tìm ra lối đi mới thì chưa biết bao giờ mới vươn lên nổi.
Thất bại là mẹ thành công
Huyện Thuận Thành có vị trí địa lí giáp Hà Nội đang được xây dựng mới. Nhu cầu về gạch cực lớn. Nhờ làm dịch vụ vận tải công nông mà vợ chồng The biết được thị trường lớn đó. Muốn tiến ra thị trường lớn ấy thì phải mua ô tô. Nhưng mua ô tô lúc ấy đâu phải chuyện dễ. Giá một chiếc Huyndai 3,5 tấn những 150 triệu đồng. Lại vay lãi cao để có phương tiện làm ăn. Nhưng làm ăn lớn tất có vấp váp lớn. Thất bại đầu tiên chính là việc mua chiếc xe tải nhỏ Huyndai. Tiền vốn mua xe lớn mà hiệu quả vận tải thấp, lợi nhuận cũng thấp, lại chịu đủ thứ chi phí phụ như lãi vay vốn, hoa hồng thanh toán… Qua bạn nghề, The nhận thấy chiếc xe Huyndai không phù hợp với loại hình vận chuyển gạch, cần mua một chiếc xe tải nặng mới cho lãi cao. Vợ chồng The bán chiếc Huyndai chịu lỗ vốn, nhưng vẫn đủ tiền mua được hai chiếc IFA cũ. Từ đây việc làm ăn của vợ chồng The mới nẩy ra được.
Do nhu cầu công việc bức bách, The ghi tên theo học Trường Đại học Kinh tế quốc dân, vừa học, vừa làm thêm ở Công ty Hải Yến và tìm mối bán gạch. Trong quá trình bán hàng, The còn đứng ra nhận thầu lại công trình, tự mình thuê thợ thi công. Do The không phải là thợ xây giỏi để am tường công việc nên công trình hoàn thành, tiền nhận không đủ bù tiền trả công thợ.
Thua lỗ khi làm cai xây dựng, nhưng bù lại cho The nhiều kinh nghiệm công việc và thành quả chính là việc đầu tư mua đất xây căn hộ bán trọn gói cho khách. Lãi vận chuyển gạch, lãi xây dựng dồn cả vào lúc bán căn hộ.
Năm 2006, vợ chồng The quyết định mở Công ty trách nhiệm hữu hạn Trung Kiên do The làm Giám đốc. Công ty hoạt động đa dạng, gồm dịch vụ vận tải, xây dựng và kinh doanh tổng hợp, những thế mạnh vợ chồng The đang hoạt động lâu nay.
Hướng về quê hương
Sau khi lập công ty, Công ty của vợ chồng The quyết định chuyển hướng đầu tư, rút hết vốn công trình đầu tư ở Hà Nội về quê. Đến đầu năm 2014 này tổng khối lượng đầu tư xây dựng của Công ty Trung Kiên ở các xã trong huyện đạt 44 tỉ đồng. Với sự góp sức này mà bộ mặt nông thôn mới ở quê hương có sự thay đổi nhanh chóng.
Hiện nay, Công ty Trung Kiên có mặt bằng 4.500 m2, tọa lạc ngay Ngã tư Đông Côi (Thị trấn Hồ) với hệ thống trung tâm thương mại, nhà hàng, dịch vụ thể thao tổng hợp hoạt động khá tấp nập. Mặc dù vốn đầu tư xây dựng đang bị đọng ở công trình đã hoàn thành tới 20 tỉ đồng mà Nhà nước, địa phương, chủ đầu tư chậm thanh toán, nhưng Công ty Trung Kiên vẫn tìm cách khắc phục khó khăn, tiếp tục đầu tư xây dựng tại quê hương với việc nhận làm 12 phòng học của Trường tiểu học xã Trạm Lộ; mở nhà máy sản xuất bao bì công suất 100 tấn/tháng.
Từ cô thôn nữ chân lấm tay bùn vươn lên, doanh nhân Nguyễn Thị The hiện là tấm gương thành đạt của quê hương Thuận Thành. Thành đạt làm ăn, thành đạt cả về nuôi dạy con cái, bởi đứa nào cũng học đại học, trong đó con đầu học giỏi được học bổng toàn phần du học ở Nga, nay đã có bằng thạc sĩ. Kể từ khi ăn nên làm ra, The luôn nhớ đến cảnh khó khăn lúc mới ra ở riêng, vay vốn ngân hàng một trăm ngàn đồng làm hàng xáo nên luôn san sẻ miếng cơm, manh áo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ít cũng đạt 20 triệu đồng/năm. Chị em phụ nữ huyện tín nhiệm bầu chị vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ huyện. Bà con nông dân tín nhiệm bầu The vào Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Chị được nhận nhiều sự vinh danh xứng đáng, trong đó có Bằng Doanh nhân tiêu biểu 1000 năm Thăng Long do tỉnh Bắc Ninh trao tặng năm 2010. Hiện nữ doanh nhân này còn là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Thuận Thành.
Phạm Thuận Thành