Hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT vẫn là thách thức lớn
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2023 được Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố, TMĐT Việt Nam đã chứng kiến làn sóng tăng trưởng vượt bậc, số người mua sắm trực tuyến tăng nhanh và đông đảo doanh nghiệp (DN) cũng như hộ kinh doanh tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số.
Khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) với hàng nghìn DN trên cả nước cũng cho thấy lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 – 2025.
Theo Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của 4 sàn TMĐT hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).
Tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, song những thách thức về hàng giả, hàng nhái trà trộn rao bán trên các sàn TMĐT vẫn là vấn đề gây nhức nhối cho người tiêu dùng, nhà bán hàng, các sàn TMĐT và cả nhà quản lý. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách... Mặc dù các sàn TMĐT tuyên bố thực thi nhiều biện pháp bảo vệ người mua cũng như nhà bán hàng chân chính, song vấn nạn này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, chính sách và hành lang pháp lý hiện vẫn còn sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quản lý TMĐT. Bên cạnh đó, các sàn TMĐT nhân lực còn hạn chế, chưa kiểm soát hết được nội dung. Đặc biệt, nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế.
Một số dấu hiệu nhận diện hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT
Có thể thấy, việc mua bán hàng hóa thông qua các sàn TMĐT đem lại hiệu quả lớn cho các doanh nghiệp, cũng như đem lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng nhiều kẻ xấu lợi dụng các sàn TMĐT để thực hiện hành vi lừa đảo, thì người tiêu dùng cần phải nâng cao cảnh giác, đặc biệt, cần thường xuyên cập nhật thông tin thông qua các phương tiện truyền thông báo chí, các website chính thống để có những kinh nghiệm trong việc nhận diện các hành vi lừa đảo trên các nền tảng mua bán trực tuyến.
Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết các hoạt động TMĐT, rao bán hàng giả và hàng nhái trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, bao gồm:
+ Giá quá rẻ: Sản phẩm được rao bán với giá cực kỳ hấp dẫn, thường rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đây có thể là dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái hoặc gian lận.
+ Thiếu thông tin sản phẩm: Người bán không cung cấp đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, như thông số kỹ thuật, nguồn gốc, chất lượng, thông tin về nhà cung cấp và bảo hành.
+ Số lượng giới hạn và áp lực mua hàng: Người bán áp đặt áp lực mua hàng nhanh chóng bằng cách khuyến khích mua hàng ngay lập tức với lý do rằng hàng chỉ có số lượng giới hạn hoặc đang có nguy cơ hết hàng.
+ Đánh giá và nhận xét không tự nhiên: Sản phẩm nhận được đánh giá và nhận xét tích cực một cách quá mức, không tự nhiên hoặc không có đáng tin cậy. Đây có thể là một chiêu trò để tạo lòng tin và thuyết phục người mua.
+ Phương thức thanh toán không an toàn: Người bán yêu cầu thanh toán bằng các phương thức không an toàn, chẳng hạn như chuyển khoản trực tiếp qua ngân hàng, thanh toán bằng ví điện tử không rõ nguồn gốc, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng một cách đáng ngờ.
+ Tài khoản người bán không đáng tin: Kiểm tra tài khoản của người bán trên mạng xã hội hoặc sàn TMĐT. Nếu tài khoản không đáng tin, với ít hoặc không có thông tin cá nhân, hoạt động mới hoặc không có đánh giá, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy người bán không đáng tin cậy.
+ Thiếu thông tin liên hệ và địa chỉ: Người bán không cung cấp thông tin liên hệ rõ ràng, như địa chỉ, số điện thoại hoặc email. Điều này khiến việc theo dõi và giải quyết các vấn đề liên quan trở nên khó khăn.
+ Thiếu uy tín và phản hồi tiêu cực: Người bán có lịch sử phản hồi tiêu cực, có nhiều khiếu nại từ người mua trước đó hoặc không có đủ đánh giá và phản hồi từ khách hàng.
Bên cạnh những dấu hiệu nhận biết trên, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền, đảm bảo bạn hiểu rõ chính sách bảo hành và hoàn tiền của người bán và có thể liên hệ với họ nếu cần thiết.
Không thể phủ nhận, TMĐT phát triển tạo ra những lợi ích kinh tế rất lớn. Nhưng để hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững, bên cạnh sự quyết tâm của Chính phủ, của các lực lượng chức năng thì sự chung tay, ủng hộ của các sàn TMĐT, các doanh nghiệp và người tiêu dùng là hết sức quan trọng trong “trận chiến” này./.
Ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Đề án được ban hành nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.
Bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam. |
Minh Anh