Con dao 2 lưỡi
Trong những năm gần đây, TMĐT trên thế giới phát triển một cách bùng nổ, năm 2019 đã vượt doanh thu hơn 2.000 tỷ USD. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực châu Á Thái Bình Dương là khu vực mà TMĐT đang phát triển sôi động.
Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng Internet, hạ tầng thanh toán điện tử cũng như các hạ tầng logistics, Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là một trong những thị trường mà TMĐT phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 25%.
Việc TMĐT xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng tất yếu trong thương mại toàn cầu đặt ra rất nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc hợp tác phát triển cũng như kiểm soát hoạt động này.
Trong thời gian qua, lực lượng QLTT Việt Nam đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều vi phạm trong hoạt động TMĐT. Điển hình gần đây là vụ việc Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng An ninh công nghệ cao - Công an TP Hà Nội xử lý hoạt động kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Samsung tại Cầu Giấy (Hà Nội). Các đối tượng sử dụng website đăng địa chỉ ảo, người đứng tên mua website là một người khác nhưng người thực sự sở hữu và sử dụng lại là một người khác. Quá trình hoạt động, đối tượng sử dụng rất nhiều các website và được liên kết với nhau qua các đường link hiện trên giao diện của các website.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh - Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo
Tại “Hội thảo Công tác phối hợp bảo vệ người tiêu dùng và Quyền sở hữu trí tuệ từ môi trường mạng đến thị trường trong khu vực Châu Á”do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Hải quan Việt Nam và Hiệp hội chống hàng giả quốc tế REACT tổ chức ngày 10/1 tại Hà Nội, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho hay: Đang có những bất bình đẳng giữa việc kinh doanh trực tuyến (online) và kinh doanh theo phương thức truyền thống (offline) khi việc thực hiện công việc kinh doanh online rất đơn giản, dễ dàng. Vì vậy, Bộ Công Thương đang cố gắng xây dựng khung pháp lý hoàn thiện để mang lại sự bình đẳng cho 2 loại hình kinh doanh này.
Cần sự phối hợp đa bên
Theo ông Ronald Brohm - Giám đốc điều hành Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế (React), hàng giả đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trên thế giới, 3,3% tổng sản lượng kinh doanh bị ảnh hưởng bởi hàng giả.
Ông Ronald Brohm - Giám đốc điều hành REACT - Cần sự chung tay của các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống hàng giả
“Cần có sự chung tay của các lực lượng chức năng cũng như doanh nghiệp mới có thể giải quyết và ngăn ngừa tình trạng trên” - Ông Ronald nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra thực tế của Hàn Quốc tại Hội thảo, đại diện Hải quan Hàn Quốc cho biết, tại quốc gia này, đối tượng vi phạm sử dụng hình thức gửi bằng những gói hàng nhỏ để tránh nguy cơ tịch thu nhiều, do vậy chủ sở hữu và bộ phận hải quan cần có một số biện pháp tổng quan như xác nhận người gửi, sử dụng chụp hình tự động để gửi cho chủ sở hữu thương hiệu để có thể nhanh chóng xác minh những vi phạm về hàng hóa nếu có. Đây là nhiệm vụ chính được Hải quan Hàn Quốc thực hiện và mang lại hiệu quả cao. “Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và nhãn hàng, sự hợp tác của các bên giao hàng thì việc kiểm tra và bắt giữ các gói hàng giả không thể mang lại hiệu quả” - phía Hàn Quốc khẳng định.
Lực lượng QLTT Việt Nam cũng đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng chức năng, các nhãn hàng và chính người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân quan tâm đến tính minh bạch của các trang TMĐT, không mua hàng ở những nơi không có địa chỉ rõ ràng hoặc niêm yết giá bán rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế hàng hóa. Đồng thời có giải pháp cụ thể để xác minh, xác định địa chỉ các website đang hoạt động, đặc biệt là các website có tên miền quốc tế.
Cùng với đó, chủ sở hữu của các nhãn hàng hóa cần phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm có được những thông tin nhanh, kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong TMĐT.
Theo Báo Công Thương