Báo cáo ghi nhận tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I-2022 tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu đạt kết quả vững chắc, cùng với lĩnh vực dịch vụ đang phục hồi. WB cho rằng, tình hình thị trường lao động của Việt Nam đã có cải thiện, dù sự phục hồi chưa trở về mức của năm ngoái.
Báo cáo cho biết, sản xuất công nghiệp đã duy trì kết quả vững chắc trong tháng 3, khi đạt tăng trưởng tới 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng đạt tăng trưởng tới 9,4% - một trong những kết quả tốt nhất của hai năm qua. Trong khi đó, cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận thặng dư 1,4 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và giải ngân đều đứng vững - là điều đáng nể trong bối cảnh bất định toàn cầu liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, cũng theo WB, giá năng lượng tăng cao và nhu cầu trong nước phục hồi đã khiến lạm phát nhảy vọt, tăng tới 2,4% trong tháng 3 - cao hơn nhiều con số 1,4% của tháng 2. Trong khi đó, giá nhiên liệu và hàng hóa thế giới tăng khiến chỉ số giá sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, trong khi tỷ giá thương mại tiếp tục xấu đi trong quý I.
Trong bối cảnh đó, WB cho rằng việc giá tiêu dùng và sản xuất tăng đồng nghĩa Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước, vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, WB nhận định, việc giá nhập khẩu cao hơn, giá hàng hoá trung gian, giá sản xuất tăng liên tục trong ba quý sẽ dẫn tới giá tiêu dùng – đặc biệt là lương thực, thực phẩm – tăng, do đó cần có những biện pháp can thiệp chính sách trong ngắn hạn, nhằm loại bỏ tác động tăng giá đối với người dân, nhất là với những nhóm có tổn thương.
Về lâu dài, WB khuyến nghị Việt Nam cần cân nhắc những cải cách mang tính cấu trúc để tiếp tục nâng cao năng suất nền kinh tế, tăng tổng cung, trong đó có các biện pháp có thể cân nhắc như giảm thuế với hoạt động đầu tư sản xuất và đổi mới sáng tạo; loại bỏ thêm rào cản trong môi trường kinh doanh; giảm chi phí hậu cần; đầu tư vào giáo dục, đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động… WB cũng cảnh báo, xu hướng xét nghiệm tại nhà có thể gây khó khăn cho việc thống kê tổng số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam.
Theo Hà Nội mới