Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quý I/2015, xuất khẩu cao su đạt 196 nghìn tấn, trị giá 279 triệu USD, tăng 31,9% về khối lượng nhưng giảm 6,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa- Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam- đó là do cung vượt cầu. Trong thời kỳ giá cao khoảng 5- 6 năm trước, không riêng Việt Nam, các nước khác cũng tăng diện tích cao su quá nhanh, do đó, sản lượng tăng liên tục dẫn đến tồn kho lớn. Kinh tế thế giới suy giảm đã làm nhu cầu cao su giảm mạnh. Hiện nhu cầu cao su bắt đầu tăng trở lại nhưng mức tăng chậm, trong khi đó, sản lượng rất khó giảm. Theo bà Hoa, áp lực tồn kho cao và kéo dài sẽ khiến giá cao su duy trì ở mức thấp trong nhiều năm tới.
Bên cạnh đó, cao su thiên nhiên chịu tác động rất lớn từ giá dầu. Dầu thô là một nguồn để tạo ra cao su tổng hợp- đối thủ cạnh tranh rất lớn đối với cao su thiên nhiên. Khi giá dầu rẻ, cao su tổng hợp rẻ, thì người sử dụng lại có xu hướng chuyển sang dùng cao su tổng hợp.
Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn cao su, trị giá hơn 2 tỷ USD, nhưng chủ yếu là cao su sơ chế. Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ có chính sách đặc biệt để phát triển công nghiệp chế biến cao su trong nước. |
“Hiện nay, cây cao su bị tác động kép làm cho giá khó phục hồi. Giá cao su hiện đạt 31 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp chỉ có thể chịu đựng được mức giá 30 triệu đồng/tấn, nếu giảm nữa thì không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất”- bà Hoa nói.
Đáng chú ý, việc xây dựng các sắc thuế trước đây như thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế đất trong thời điểm cao su giá cao lợi nhuận nhiều. Tuy nhiên, hiện giá cao su đang bán ở mức gần sát với giá thành, trong khi đó, thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay một số tỉnh công bố cao hơn nhiều so với trước, khiến giá thành mỗi tấn cao su tăng lên, trong lúc xuất khẩu cao su đang gặp khó khăn kép.
Bên cạnh đó, có những vườn cây già cỗi chặt đi trồng lại vẫn phải nộp tiền thuê đất, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp…
Nguồn: Báo Công thương điện tử