Công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%. Dù thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng vẫn đóng góp 1,89 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Theo đó, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại cùng tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm cũng tăng cao như linh kiện điện thoại tăng 34,7%; xăng, dầu các loại tăng 17,4%; thép thanh, thép góc tăng 17,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,3%; giày, dép da tăng 8,5%; than sạch tăng 7,9%; điện sản xuất tăng 7,1%.
Đặc biệt, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2020 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng là 7,12%, cao hơn mức tăng 4,38% và 5,97% của cùng kỳ các năm 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 1,64 điểm phần trăm.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo riêng tháng 3/2020 tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 24,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 22,8%; dệt tăng 13,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 12,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,5%.
Riêng đối với ngành hóa chất, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động đến nguồn cung sản phẩm phân bón nhập khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm phân bón mà Việt Nam chưa sản xuất được như Kali, SA. Các loại phân bón này, ngoài nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam có thể nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác như Nga, Belarus, Israel, Tây Âu nhưng giá thành cao hơn. “Đối với các loại phân bón trong nước đã sản xuất được như Urê, NPK, DAP, Lân thì đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung ứng ra thị trường. Đối với ngành hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, trước diễn biến của dịch, nhu cầu sử dụng các chất sát trùng tăng cao, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng nguyên liệu trong nước nên ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp đang chủ động đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để cung ứng ra thị trường”- báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, có một số ngành gặp khó khăn. Đơn cử như sản xuất xe có động cơ giảm 2,5% (cùng kỳ năm trước tăng 17,9%). Trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch khẩu linh phụ kiện ngành ô tô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.
Tương tự ngành dệt may, da-giày và điện tử, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ giảm cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu.
Thúc đẩy tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp
Bộ Công Thương cho biết, bước sang quý II/2020, Bộ sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước. “Quan trọng là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”- báo cáo nêu cụ thể.
Đồng thời phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Ngoài ra tập trung thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Theo Báo Công Thương