Làm sao xác định được vị trí đầu ra rõ ràng, số lượng, chất lượng, giá cả… để từ đó có quyết định tham gia vào cuộc chơi sòng phẳng trong chuỗi sản xuất toàn cầu, và có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà là bài toán đang đặt ra đối với các doanh nghiệp hỗ trợ VN.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HANSIBA cùng ban lãnh đạo hiệp hội trong chương trình thăm, làm việc và gây dựng chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm CNHT tại cơ sở nhà máy sản xuất của Hội viên – Cty CP Cơ điện Toàn cầu (TOMECO)
DN lơ ngơ giữa “ngã ba đường”
Tình trạng yếu kém này do rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, có hai yếu tố cơ bản, thứ nhất “Người làm” tức là doanh nghiệp sản xuất trực tiếp chưa thực sự thấy được lợi nhuận tốt khi tham gia vào chuỗi sản xuất CNHT. Trong khi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là những người làm trực tiếp lại chỉ nhìn thấy những khó khăn, rủi ro quá lớn khi tham gia lĩnh vực, cuộc chơi này. Thứ hai, “Người định hướng”, nhà nước lại có tư duy “thả nổi” để thị trường tự điều tiết theo chủ quan ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Do đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nước ngoài đã đi trước doanh nghiệp Việt Nam hàng chục thậm chí hàng trăm năm về tích lũy nhiều mặt để họ dễ dàng tiếp đón, làm chủ cuộc chơi ngay trên sân nhà Việt Nam chúng ta.
Ở nhiều cường quốc mới nổi, “Người định hướng” trực tiếp tác động thị trường, tác động vào các “con đẻ” doanh nghiệp bản quốc để từ đó thúc đẩy cả một ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển. Ví dụ như ngành sản xuất thép của Hàn Quốc là một điển hình. Từ “tay không bắt giặc” đến sự hùng mạnh như ngày hôm nay.
Kinh nghiệm phát triển ngành CNHT ở các quốc gia phát triển, cũng như ở ngay một số nước bên cạnh chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã rất rõ ràng. Nhà nước họ trực tiếp “thò tay” định hướng kiến tạo con đường cho DN, DN được tạo mọi cơ sở pháp lý cụ thể thuận lợi. Thậm chí được nâng đỡ, cưu mang lúc chập chững bước chân ban đầu. Nhà nước tạo ra các lồng ấp để nuôi dưỡng những đứa con doanh nghiệp trưởng thành để mai này có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi “Cha mẹ”.
Khó khăn mấu chốt của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào CNHT là đầu ra sản phẩm.
Khởi nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể “dập khuôn” kinh nghiệm hàng chục năm trước của các nước vào áp dụng tại Việt Nam, vì đơn giản trước đây thế giới chưa có WTO, TPP, FTAs… Và các hiệp định kinh tế thế hệ mới lại càng khắc khe, chặt chẽ hơn khi áp đặt cuộc chơi. Cuộc chơi không có chữ “bảo hộ” hay “độc quyền”.
Tôi rất tâm đắc với định hướng của nguyên Trưởng Ban kinh tế Trung ương – Giáo sư – Tiến sỹ Vương Đình Huệ, nay là Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông đã nói: hãy xác định rõ thời điểm này Việt Nam chúng ta là “Đất nước khởi nghiệp”, mọi thứ, tất cả đều là khởi tạo, kiến tạo từ ban đầu để phát triển, phát triển lần thứ 2 của Đổi mới. Theo tôi đấy chính là kinh nghiệm thực tiễn để dẫn dắt ngành CNHT nói riêng và đất nước nói chung phát triển.
Khó khăn mấu chốt của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào CNHT là đầu ra sản phẩm. Làm sao xác định được vị trí đầu ra rõ ràng, số lượng, chất lượng, giá cả… Đơn cử khi có đơn đặt hàng sản xuất linh phụ kiện từ Toyota, các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh rất mạnh với các doanh nghiệp Thái Lan khi họ đã có kinh nghiệm và “dòng sản xuất” từ hàng chục năm qua. Hiện linh kiện các ngành ôtô, điện tử… đang có xu hướng tràn vào rất mạnh từ Thái Lan và một số nước ngay trong Asean vào Việt Nam.
Cơ chế chính sách mà Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua đã cơ bản đủ mạnh để các doanh nghiệp triển khai, tuy nhiên cần đưa được cơ chế này đến tận tay “người làm” là một vấn đề rất cần được nhà nước quan tâm. Mặt khác chúng ta cũng luôn phải “tận tình” chăm sóc thật kỹ con đẻ – doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động từng ngày. Hãy coi doanh nghiệp là những người được trân trọng, thương yêu, hãy để họ được cảm nhận là những “người lính” để họ mạnh mẽ tham gia chiến trường kinh tế làm giàu cho mình và đất nước. Và hãy xác nhận rủi ro của họ là rủi ro của đất nước để cùng đứng lên, làm lại khi vấp ngã.
Làm vậy tất cả chúng ta tin tưởng rằng ngành CNHT nói riêng và kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh lần thứ 2 mạnh mẽ hơn nhiều lần trong 30 năm đổi mới vừa qua. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo cụ thể quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn có quyết tâm để tham gia chuỗi SXKD, cạnh tranh mạnh mẽ, minh bạch với các DN quốc tế trong thời gian tới.
Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA)
Nguồn: enternews.vn