Là đơn vị kinh doanh phân phối hàng hóa lớn của địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Giám đốc Coop Mart Phan Thiết cho biết, ngay từ đầu tháng 3/2020 Coop Mart Phan Thiết đã có kế hoạch đưa hàng về dự trữ gấp 3 lần bình thường nên hàng hóa rất phong phú, nhất là các mặt hàng như gạo, mì tôm, không xảy ra tình trạng gom hàng, đầu cơ.
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ nhất là các mặt hàng lương thực, mì tôm, thịt heo đều tăng lượng hàng trên 200%, giá cả ổn định, Lotte Mart Phan Thiết cũng đã chuẩn bị hơn 6 tấn gạo và 10.000 thùng mì tôm, không bán sỉ mà chỉ bán lẻ nhằm phục vụ cho đông đảo khách hàng, chống được tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa. Ngoài khách hàng trực tiếp đến siêu thị thì số lượng khách hàng và hàng hóa mua qua online, điện thoại tăng cao. Trong những ngày cuối tuần hàng hóa bán qua kênh online chiếm hơn 10% doanh số (trước đây chỉ chiếm 2- 4% doanh số).
Theo ông Đỗ Minh Kính- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận - để đảm bảo nguồn cung hàng hàng hóa dồi dào cho người dân trong tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, Sở đã đề nghị các đơn vị, DN trên địa bàn tăng cường nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo nhu cầu của người dân. Các đơn vị cần xây dựng phương án cụ thể dự trữ, cung ứng hàng hóa trong dài ngày, bảo đảm cân đối cung cầu, không để khan hiếm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ miền núi, Công ty CP Thương mại Bình Thuận, Công ty CP Lương thực Nam Trung bộ, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tùng Loan... tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa. Đối với hệ thông Siêu thị Co.opMart trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hàng hóa bảo đảm đáp ứng đầy đủ, phục vụ kịp thời. Đảm bảo đầy đủ các mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn, gạo, mì tôm, thực phẩm chế biến (đồ hộp các loại), sữa, bánh kẹo, gia vị (nước tương, nước mắm, bột ngọt…), rau củ quả, khăn giấy, bột giặt...
Với Siêu thị Lotte Phan Thiết, tập trung tăng cường cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau củ quả, sữa hộp và khẩu trang… bảo đảm hàng hóa được nhập về hàng ngày đầy đủ, kịp thời. Riêng Chi nhánh Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận với chuỗi 18 cửa hàng, ngoài hàng hóa đang kinh doanh sẽ tăng cường mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn trên toàn chuỗi cửa hàng phân bổ đều trên toàn tỉnh để phục vụ nhân dân. Bên cạnh việc phục vụ bán lẻ tại chỗ, Sở Công Thương cũng đề nghị các đơn vị tăng cường bán hàng online, bán hàng qua điện thoại để phục vụ người tiêu dùng mua hàng tại nhà do ngại đến nơi tập trung đông người.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua hàng hóa đủ theo nhu cầu, không mua tích trữ hàng hóa vì lượng hàng hóa dự trữ tại các DN, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ rất dồi dào và cung ứng đầy đủ, kịp thời cho người dân. Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét, thu gom, tăng giá bất hợp lý hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo Báo Công Thương