Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:45:39 GMT+7
Lượt xem: 2727

Tin đăng lúc 05-08-2017

Ngành Công Thương các tỉnh phía Nam: Tăng cường liên kết để phát triển

Chiều ngày 4/8, Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam lần thứ IV năm 2017 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của lãnh đạo UBND 20 tỉnh, thành và ngành Công Thương khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Ngành Công Thương các tỉnh phía Nam: Tăng cường liên kết để phát triển

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Đông- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết, tiếp đà tăng trưởng trong năm 2016, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành khu vực phía Nam có điều kiện phát triển thuận lợi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá 8,75% so cùng kỳ; trong đó: Trà Vinh 18,46%, Tiền Giang 15,1%, Tây Ninh hơn 15%, Long An 13,31%...

 

Một số ngành công nghiệp của các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: ngành khai khoáng (An Giang tăng 14,73%, Bình Dương tăng 5,86%, Đồng Tháp tăng 6,94%...); ngành cơ khí (TP.HCM tăng gần 20%, Long An tăng 13,33%, Bạc Liêu tăng 10,7%...)

 

Trong 6 tháng năm 2017, DN tại các địa phương đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên đã chủ động đầu tư, đổi mới cơ cấu và đẩy mạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, hầu hết các sản phẩm đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, lĩnh vực dệt may, Bến Tre tăng gần 67%, Tây Ninh hơn 27%, Vĩnh Long gần 19%, TP.Hồ Chí Minh tăng 7,4%... Lĩnh vực thủy sản đông lạnh: Bạc Liêu tăng gần 12%, Hậu Giang tăng hơn 6%... Về phát triển cụm công nghiệp, hiện toàn khu vực có 119 cụm công nghiệp. Theo quy hoạch đến năm 2020 có 359 cụm công nghiệp với diện tích 16.271ha, chiếm 24% về số lượng và 33% về diện tích so với cả nước.

 

Về thương mại, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 1.097.036 tỷ đồng, tăng 8,86% so cùng kỳ năm 2016; trong đó, các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như TP. HCM tăng 10,2%, Bình Dương tăng hơn 20%, Đồng Nai tăng 11,45%.

 

Sở Công Thương các tỉnh, thành đã phối hợp kịp thời với các đơn vị triển khai những giải pháp bình ổn, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, dồi dào và thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ nên giá cả các loại hàng hóa tại khu vực phía Nam không khan hiếm và tăng đột biến. Các địa phương tiếp tục định hướng phát triển hệ thống phân phối theo quy hoạch nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và góp phần phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

 

Ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - chia sẻ thêm: Khu vực phía Nam gồm 20 tỉnh, thành, chiếm đến hơn 60% giá trị công nghiệp, 57% giá trị hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Trong những năm qua, các tỉnh, thành phố trong khu vực không ngừng phát triển, phát huy lợi thế từng địa phương mình. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc liên kết, kết nối giữa các địa phương cần phát huy các thế mạnh và lợi thế vùng là vấn đề quan trọng mà các địa phương cần hướng tới. “Tuy vậy, các địa phương cần tăng cường liên kết xúc tiến đầu tư, kết nối, mở rộng thị trường dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương để phát huy lợi thế, qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong vùng”- ông Liêm nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ- cho biết, Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian vừa qua, 135 DN chế biến gạo, 39 DN thủy sản, 8 DN bao tiêu trái cây thực hiện tiêu thụ sản phẩm của các địa phương. Vấn đề bao tiêu sản phẩm, yêu cầu về an toàn thực phẩm đòi hỏi ngày càng cao, ngành nông nghiệp sản xuất được, nhưng chất lượng chưa đồng đều, yêu cầu cung cấp số lượng lớn thì không có. "Thời gian tới, cần thực hiện hợp đồng về giá, tức giá cố định hai bên cùng ký hoặc giá thị trường. Mua bán trái cây gần đây xuất hiện một lực lượng cò, hàng trăm ha nhưng cò đến mua một vài ha giá cao, bẻ kèo DN, cuối cùng bán giá thấp. Để đáp ứng được nhu cầu cánh đồng mẫu lớn, nên tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương" - ông Toại trăn trở.

 

Bức xúc trước thực trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, trên 40% phân bón giả, kém chất lượng không xử lý được, ông Trần Quốc Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh - đề nghị Bộ Công Thương có văn bản siết chặt khâu quản lý. Theo đó, nên tăng mức xử phạt lên 10 lần, rút thời gian xử lý xuống 10 ngày thay vì 25 ngày như hiện nay, chỉ chấp nhận kết quả kiểm nghiệm một lần, không chấp nhận kết quả kiểm nghiệm hai lần. Truy thu toàn bộ tiền phân bón giả, cần có hình thức xử lý thích đáng cả DN sản xuất, chứ chỉ xử phạt hộ kinh doanh như hiện nay là không được.

 

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu các lãnh đạo địa phương nêu ý kiến, đề xuất gửi về Bộ Công Thương để tiếp tục tháo gỡ. Thứ trưởng nhận định, cần tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong việc tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong vùng phát triển.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang