Chủ Nhật, 24/11/2024 10:20:25 GMT+7
Lượt xem: 3912

Tin đăng lúc 09-11-2015

Ngành Công Thương chú trọng bảo vệ môi trường

Kể từ ngày 30/12/2015, Thông tư 35/2015/TT-BCT quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) ngành Công Thương do Bộ Công Thương ban hành sẽ có hiệu lực. Đây là một trong những hoạt động tích cực của ngành Công Thương trong công tác BVMT.
Ngành Công Thương chú trọng bảo vệ môi trường
Ảnh minh họa

Thông tư quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan, bên cạnh tuân thủ đúng các quy định về BVMT tại các văn bản hiện hành còn phải đảm bảo các quy định: BVMT trong lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; trong giai đoạn lập dự án đầu tư; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm tra và báo cáo công tác BVMT.

 

Trong đó, quy định về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được các tập đoàn, doanh nghiệp ngành Công Thương rất quan tâm. Theo đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm: Lập kế hoạch quản lý môi trường và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã sau khi báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Bên cạnh đó, khi vận hành các công trình BVMT, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất và khí thải phải đúng quy trình phê duyệt trong báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch BVMT đã xác nhận. Đồng thời, cần thực hiện phân loại và quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường trong trường hợp không tự xử lý. Đặc biệt, đối với chất thải nguy hại, phải lập sổ đăng ký chủ nguồn thải, phân loại theo các nhóm khác nhau, lưu giữ trong kho chứa và quản lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại. Các hoạt động sản xuất thuộc danh mục nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư này phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 38/2015/N -CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

 

Thêm vào đó, phải thực hiện quan trắc môi trường đối với các thông số và tần suất trong báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT hoặc văn bản tương đương được phê duyệt, xác nhận. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài khu công nghiệp có lưu lượng xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục. Đối với khí thải, cơ sở thuộc danh mục quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục. Hệ thống thiết bị quan trắc phải được kiểm định và hiệu chuẩn theo quy định để đảm bảo độ tin cậy của số liệu quan trắc.

 

Riêng hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, thông tư quy định rõ: Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu các loại phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, hoặc nhận ủy thác nhập khẩu phải được cơ quan quản lý môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu và thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

 

Bộ Công Thương yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy định BVMT và hướng dẫn các đơn vị thành viên xây dựng báo cáo công tác môi trường theo quy định tại Thông tư này. Đồng thời, xem xét thành lập bộ phận phụ trách môi trường hoặc bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị quản lý hoạt động BVMT.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang