Nhiều cơ hội cho xuất khẩu
Trao đổi với báo chí về dự báo tình hình XNK năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin, năm 2018, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi, mở ra nhiều cơ hội cho XK. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ bởi sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính (CCHC), đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho XK.
Bên cạnh đó, các dự án lớn trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghiệp chế biến chế tạo... tiêu biểu là dự án Samsung Display mở rộng được đầu tư thời gian qua đã bước vào sản xuất, XK từ cuối năm 2017 và hứa hẹn sẽ tạo nguồn hàng ổn định cho năm 2018. Các mặt hàng XK chủ lực khác của Việt Nam như dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, đồ gỗ, nông sản và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết thời gian qua và kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường EU khi FTA với khu vực này chính thức có hiệu lực.
Về các ngành hàng cụ thể, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, năm nay, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi khi FTA Việt Nam - EU, Hiệp định CPTPP dự kiến được ký kết, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường. Do đó, toàn ngành đặt mục tiêu XK 33,5 tỷ USD trong năm 2018.
Tuy vậy, tình hình XK năm 2018 cũng tiếp tục phải đối mặt với một số khó khăn, như kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều; căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới, giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cũng như giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK nông sản, thủy sản...
Đồng bộ các giải pháp
Trước những thuận lợi và khó khăn trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, để đạt mục tiêu tăng trưởng XK 10%, Bộ Công Thương chú trọng triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động XNK; đẩy mạnh CCHC và hiện đại hóa thủ tục hành chính (TTHC); đưa các TTHC có tác động nhiều tới DN vào xử lý theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4...
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất, quy hoạch đối với các mặt hàng nông, thủy sản gắn với thị trường, nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng để phục vụ XK. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng XK, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho XK.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng công tác thông tin dự báo. Chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài tăng cường chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam, để giúp Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý minh bạch, công khai để DN thuận lợi nhất trong tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất, đạt mục tiêu XNK đã đề ra. |
Nguồn Báo Công Thương