Thứ Sáu, 22/11/2024 05:47:04 GMT+7
Lượt xem: 11841

Tin đăng lúc 04-09-2019

Ngành Công Thương đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh

Trong giai đoạn vừa qua, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) là động lực then chốt để phát triển bền vững cho các khối ngành sản xuất của ngành Công Thương. Các hoạt động KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngành Công Thương đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh
Công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng, triển khai tại nhiều doanh nghiệp/ngành nghề

Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Các thành tựu đó đã được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý về KH&CN như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng VIFOTEC.

 

Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo định hướng ứng dụng vào sản xuất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp phối hợp triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn khoa học và công nghệ cấp Bộ, các chương trình/ đề án quốc gia Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, kinh phí từ quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Điều này, một mặt góp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ của Bộ trong việc cung cấp các dịch vụ, công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

 

Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, đưa những công nghệ hiện đại vào trong quá trình sản xuất. Thực trạng ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh khá đa dạng ở các ngành/lĩnh vực khác nhau. Tại một số Tập đoàn, Tổng Công ty, một số ngành như điện lực, dầu khí, bia – rượu – nước giải khát v.v.. có mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến ở mức cao, nhiều công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng, triển khai.

 

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)

 

Để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, EVN đã có sự đầu tư tương đối toàn diện từ hạ tầng tới triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động.

 

Về hạ tầng, EVN đã xây dựng và củng cố mạng truyền dẫn đường trục và 09 vòng ring liên tỉnh, cung cấp đủ đường truyền cho các kết nối lõi và liên tỉnh phục vụ tốt cho công tác điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN; Hệ thống mạng WAN phục vụ thị trường điện đã kết nối tất cả các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30MW với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Cục Điều tiết Điện lực và được vận hành an toàn và ổn định; các Tổng Công ty điện lực đã xây dựng Trung tâm dữ liệu (Datacenter) để lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật và sẵn sàng triển khai các phần mềm tính toán, xử lý tập trung.

 

 

Ngành điện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động

 

Về ứng dụng công nghệ thông tin, được áp dụng cơ bản thống nhất nghiệp vụ trên từng lĩnh vực của Tập đoàn. Một số phần mềm chủ yếu như: hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiêp (ERP), hoàn thành triển khai đến đơn vị cấp 3, đang triển khai đến đơn vị cấp 4; hệ thống quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, hệ thống quản lý đấu thầu; hệ thống quản lý khách hàng CMIS, hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành nhà máy điện đã được triển khai ở các nhà máy điện, các Tổng công ty phát điện …; hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành lưới điện đang trong quá trình triển khai; hệ thống phần mềm kho dữ liệu đo đếm đã chính thức triển khai để phục vụ quản lý đo đếm, giao nhận điện năng đầu nguồn, ranh giới cho các Tổng công ty, Nhà máy điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện và Công ty mua bán điện v.v…

 

Hiện nay, Tập đoàn điện lực Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất – kinh doanh của EVN với trọng tâm vào 3 lĩnh vực chính gồm: Vận hành hệ thống điện, kinh doanh – dịch vụ khách hàng và quản trị doanh nghiệp. Trong đó, Tập đoàn sẽ hướng đến xây dựng các nhà máy điện thông minh, nâng cấp hệ thống điều hành, tăng cường tự động hóa, số hóa trong dịch vụ khách hàng,…

 

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN)

 

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong hoạt động sản xuất, Tập đoàn TKV đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động số 188/CTr-TKV v/v tập trung đẩy mạnh ứng dụng THH, TĐH vào sản xuất quản lý nhằm nâng cao hiệu quả SXKD giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030 với trọng tâm là thực hiện một số dự án tiêu biểu trong từng lĩnh vực theo hướng chuyển giao công nghệ, nhập khẩu các hệ thống, các thiết bị kĩ thuật hiện đại đi cùng với nghiên cứu chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm thiết bị phù hợp với điều kiện môi trường làm việc của ngành than.

 

Theo đó, VINACOMIN tập trung (i) Nâng cấp hoàn thiện Hạ tầng CNTT tại Tập đoàn theo hướng tăng hiệu quả sử dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và Quốc tế; (ii) Triển khai phần mềm hệ thống giám sát lưu chuyển than và hoàn thiện tích hợp số liệu tự động tại các trạm cân điện tử và kiểm soát chất lượng than; (iii) Triển khai ứng dụng phần mềm tích hợp trong thiết kế, quản lý khai thác than: lập Kế hoạch khai thác, quản lý sản phẩm tại mỏ; xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu địa chất; (iv) Xây dựng phần mềm Quản lý Bán hàng tích hợp với quản lý hóa đơn điện tử Tập đoàn nhằm chuẩn bị điều kiện để triển khai phần mềm báo cáo tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn; (v) Xây dựng trung tâm dữ liệu và điều hành sản xuất hiện đại tại 02 văn phòng Hà Nội và Hạ Long; xây dựng hệ thống báo cáo điều hành sản xuất toàn Tập đoàn theo mô hình ngân hàng dữ liệu.

 

Đối với Tự động hoá, VINACOMIN tập trung vào (i) Xây dựng hạ tầng mạng điều khiển và truyền thông số tốc độ cao đồng bộ và chuẩn hoá; và (ii) Triển khai các hệ thống tự động hoá trong các khâu sản xuất: tự động hoá thông gió và giám sát an toàn khí mỏ mỏ than, giám sát và điều khiển mạng cung cấp điện; tự động hoá điều khiển giám sát hầm bơm trung tâm, trạm nén khí, cửa gió; tự động hoá tuyến băng tải vận tải chính, điều vận tầu điện; xây dựng các hệ thống giám sát điều độ tập trung, hệ thống thông tin liên lạc, định vị nhân sự, hệ thống giám sát và quản lý nhiên liệu tiêu thụ phương tiện thiết bị mỏ lộ thiên... (iii) Hoàn thiện, nâng cao mức tự động hoá tối đa trong các nhà máy tuyển than, bauxit, nhà máy chế biến khoáng sản, nhà máy điện lực, xi măng...

 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

 

PVN là ngành có trình độ công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và điều hành sản xuất ở mức độ cao. Nhận diện được những cơ hội mà cuộc CMCN4.0 mang lại cho phát triển ngành trong thời gian tới, vì vậy, Tập đoàn đã rất chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và tổ chức triển khai nhiều hoạt động. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã giao Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về CMCN 4.0; thực hiện 02 báo cáo với chủ đề: Hướng tiếp cận áp dụng CMCN 4.0 trong công nghiệp dầu khí; Đề xuất kế hoạch thích ứng và định hướng trong kế hoạch áp dụng CMCN 4.0 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn đã chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các hãng cung cấp nền tảng CMCN 4.0 của Việt Nam, trong đó, tập trung vào việc đưa ra một kế hoạch cụ thể về áp dụng CMCN 4.0. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận hợp tác với FPT trong việc nghiên cứu pháp triển khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác dầu khí.

 

 

Cán bộ nghiên cứu của VPI khảo sát lấy mẫu môi trường ở khu vực nước sâu

 

Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát

 

Theo đánh giá của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát, đa số các Nhà máy sản xuất bia đều có trình độ tinh học hóa và tự động hóa ở mức cao, riêng Nhà máy Bia Sài Gòn – Củ Chi được đánh giá là đơn vị có trình độ phát triển nhất hiện nay của Tổng Công ty, tiệm cận với trình độ phát triển của cuộc CMCN4.0. Tại Phòng kiểm nghiệm của Nhà máy, đã có lắp đặt phần mềm LIMS (Laboratory Information Management System) để quản lý hoạt động, thống kê, giám sát, đánh giá khả năng đo kiểm của thiết bị và nhân viên.

 

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển của ngành Công Thương, định hướng hoạt động KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025, Ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, triển khai mạnh mẽ các nội dung thuộc CMCN 4.0, từng bước xây dựng nền sản xuất thông minh, hình thành các doanh nghiệp số.

 

Theo Vụ Khoa học và công nghệ

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang