Thứ Sáu, 22/11/2024 00:31:08 GMT+7
Lượt xem: 8937

Tin đăng lúc 03-02-2019

Ngành Công Thương Điện Biên: Bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển

Điện Biên là tỉnh biên giới có xuất phát điểm khởi đầu thấp, lại ở xa trung tâm thủ đô, giao thông đi lại khó khăn, đa số đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế về trình độ, kiến thức xã hội. Những rào cản đó đã tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của ngành Công Thương địa phương.
Ngành Công Thương Điện Biên: Bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển
Lễ ký kết hợp tác phát triển giữa lãnh đạo SCT Điện Biên với lãnh đạo SCT các tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2017-2019

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Công Thương luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Bộ Công Thương, ngành đã tích cực, chủ động, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp cụ thể, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong tỉnh, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao 2018; Cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp trong toàn ngành luôn khắc phục khó khăn trong lao động, sản xuất, kinh doanh,giành được nhiều kết quả đáng trân trọng và tự hào.

 

Năm 2018 mặc dù có nhiều thiên tai, mưa lũ bất lợi liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, để lại nhiều hậu quả thiệt hại cho nhân dân, song với tinh thần đoàn kết chung tay vượt khó, ngành Công Thương Điện Biên đã bám sát thực tế, tham mưu sát đúng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc ngành đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, nhất là công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, một số dự án chế biến nông, lâm sản đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, nhưng triển khai chậm tiến độ như dự án chế biến tinh bột sắn, chế biến cà phê, chế biến sữa gạo lứt…

 

Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương ngành Công Thương Điện Biên đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có chính sách phát triển nguồn điện. Năm 2018, dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác 03 nhà máy thủy điện, công suất tăng thêm 20,7 MW. Việc đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong thi công xây dựng và vận hành, khai thác công trình. Trên địa bàn tỉnh hiện có: 10 nhà máy thủy điện đang hoạt động phát điện, tổng công suất lắp máy 134,1 MW và 15 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư, hoặc quyết định đầu tư với tổng công suất lắp máy 235,5 MW (trong đó có 05 nhà máy đang thi công), 14 dựa án được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư, tổng công suất lắp máy dự kiến 80,9 MW;  có 02 dự án đang kêu gọi đầu tư; 06 dự án ngoài quy hoạch đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập hồ sơ dự án xin bổ sung quy hoạch.

 

Hoạt động thương mại nội địa được ngành quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2018 ước đạt 11.142 tỷ đồng, tăng 16,97% so với ước thực hiện năm 2017, đạt 183% so với kế hoạch năm. Tình hình lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại trên thị trường năm 2018 nhìn chung ổn định, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Giá cả hàng hóa, dịch vụ thương mại tăng so với năm 2017 nhưng không tăng đột biến. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, ngành Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh.

 

Hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh tại các cửa khẩu, lối mở và khu vực biên giới diễn ra bình thường. Tại lối mở A Pa Chải, hoạt động thương mại biên mậu và trao đổi của cư dân biên giới vẫn ổn định, định kỳ theo chợ phiên. Hoạt động giao thương với Lào được duy trì tốt.Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết được các hợp đồng kinh tế có giá trị. Tuyến xe khách Điện Biên đi các tỉnh Bắc Lào tăng chuyến trong tuần đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán giữa hai nước được thuận lợi.

 

Công tác khuyến công năm 2018, có 09 đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 6 đề án khuyến công quốc gia và 03 đề án khuyến công địa phương. Dự kiến năm 2018, hoàn thành thực hiện 9 đề án.Xây dựng 06 đề án khuyến công năm 2019 trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (trong đó: Kế hoạch khuyến công quốc gia 03 đề án, kế hoạch khuyến công địa phương 03 đề án), tổng kinh phí dự ước 1.480 triệu đồng.

 

Hoạt động xúc tiến thương mại năm 2018 có 9 đề án xúc tiến thương mại được phê duyệt (trong đó 06 đề án thuộc chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên, 03 đề án thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia). Đã tổ chức triển khai thực hiện thành công 05 đề án. Tiếp tục triển khai thực hiện 02 đề án tham gia 2 hội chợ thương mại trong nước;02 đề án tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi.

 

Hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng các đề án xúc tiến thương mại năm 2019. Xây dựng và tổng hợp 11 đề án xúc tiến thương mại năm 2018 (05 đề án XTTM quốc gia, 06 đề án XTTM tỉnh Điện Biên) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt đề án “Hội chợ thương mại Quốc tế vùng Tây Bắc – Điện Biên năm 2019”.

 

Cùng với các hoạt động khác trên địa bàn tỉnh, trong năm qua ngành đã triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, tăng cường công tác dự báo, diễn biến giá cả thị trường hàng hóa trước trong và sau dịp Tết Nguyên Đán năm 2018, các kỳ lễ hội theo chỉ thị của Bộ Công Thương, UBND tỉnh. Chỉ đạo việc tổ chức dự trự lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, cung ứng hàng hóa trước mùa mưa lũ, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng Quý IV/2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

 

Năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng ngành đã tích cực, chủ động triển khai kịp thời để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và các giải pháp chỉ đạo điều hành, các chương trình, kế hoạch của Bộ Công Thương. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình, tham mưu kịp thời các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, xây dựng các kế hoạch, chương trình để thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được giao. Bám sát thị trường và mọi diễn biến cụ thể, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành năm 2018, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của tỉnh trong tiến trình CNH-HĐH đất nước.

 

Xuân Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang