Tâm đắc về điều này, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên, người đã gắn bó trọn đời công tác với Tây Bắc chia sẻ: “Muốn tăng trưởng kinh tế phải thúc đẩy phát triển năng lượng. Năng lượng cho cuộc sống, gồm: Xăng dầu, điện, khí, là những vật chất thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của con người, còn muốn phát triển bền vững cho nền công nghiệp thì phải khai thác nguồn năng lượng sạch để phục vụ sản xuất công nghiệp. Nguồn năng lượng này có trong thiên nhiên ở quanh ta. Tại Điện Biên, do có độ chênh cao của đồi núi, có nhiều sông sâu, suối lớn, nguồn nước dồi dào nên việc phát triển các nhà máy thủy điện rất thuận lợi. Bên cạnh đó là mặt hồ rộng có thể dùng để phát triển năng lượng mặt trời trên mặt nước mà không ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác. Tận dụng mặt hồ, mái nhà, công sở và trong dân để xây dựng các tấm pin mặt trời, khai thác nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng một cách bền vững”.
Tuy có nhiều khó khăn, trở ngại, song trong những năm qua ngành Công Thương Điện Biên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, đẩy mạnh các dự án phát triển thủy điện, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Trong năm 2018, dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 2 nhà máy thủy điện, công suất tăng thêm 13,2 MW. Các công trình thủy điện này đang được các nhà đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong vận hành, khai thác và thi công xây dựng. Trên địa bàn tỉnh, ngoài 10 nhà máy thủy điện đang hoạt động phát điện, tổng công suất lắp máy 134,1 MW, còn có 15 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy 227,2 MW. Trong đó có 5 nhà máy đang thi công, 12 dự án được tỉnh cho nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư, 5 dự án đang kêu gọi đầu tư.
Từ nhận thức đúng về phát triển nguồn năng lượng tái tạo là góp phần tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu nguồn năng lượng sạch cho sản xuất công nghiệp, hiện nay ngành Công Thương Điện Biên đang nghiên cứu để phát triển năng lượng điện mặt trời trên mặt nước hồ của thủy điện Trung Thu 30 MW, đồng thời triển khai các thiết bị năng lượng điện mặt trời tại các nhà cao tầng trong dân cư và công sở để sản xuất năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Gian hàng của bạn Lào tại Hội chợ triển lãm
Theo đánh giá của Viện Năng lượng, nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời của nước ta vào loại tốt, tuy nhiên sự phân bố năng lượng bức xạ không đồng đều trên toàn lãnh thổ. Trước đây việc lắp đặt nguồn điện mặt trời chủ yếu phục vụ cấp điện cho các hộ gia đình, cơ quan, trường học, bệnh viện… ở khu vực miền núi, hải đảo với quy mô nhỏ, độc lập và không kết nối với lưới điện quốc gia. Sau khi có quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đăng ký, lập dự án điện mặt trời nối lưới, công suất mỗi dự án từ vài chục đến vài trăm MWp. Tính đến thời điểm hiện nay, số dự án trong quy hoạch là 132 dự án, ngoài ra còn có hơn 200 dự án điện mặt trời đang đăng ký triển khai. Việt Nam có tiềm năng khá tốt về phát triển nguồn năng lượng mặt trời với số giờ nắng khoảng 1.600 đến 2.700 giờ/năm, đặc biệt là khu vực phía Tây của vùng Tây Bắc có lượng bức xạ cao hơn so với các vùng khác, giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày.
Trong bối cảnh nguồn năng lượng điện cho sản xuất và tiêu dùng của cả nước luôn bị thiếu hụt, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, đáp ứng nhu cầu điện năng cho sản xuất và kiến thiết đất nước. Điện mặt trời hiện nay đang tập trung tại miền Trung và miền Nam, vì vậy phát triển năng lượng tái tạo một cách rộng khắp và phổ biến trong toàn quốc là một trong những giải pháp tăng cường đảm bảo cấp điện trong thời gian tới, tránh nguy cơ thiếu điện trong sản xuất công nghiệp và tiêu dùng. Điện mặt trời mái nhà có ưu việt là nguồn phân tán và tính chất tiêu thụ tại chỗ sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện, giảm gánh nặng cho nhà nước về đầu tư lưới điện truyền tải, huy động và khuyến khích các thành phần sinh hoạt, nhất là khu công nghiệp, thương mại dịch vụ đều tham gia vào đầu tư cung ứng điện. Trên thế giới hiện nay, công nghệ năng lượng tái tạo đang ở giai đoạn phát triển vượt bậc, với chi phí phát triển dự án năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng, ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống. Nhờ có sự phát triển về công nghệ, tăng hiệu quả kinh tế và cạnh tranh trong sản xuất, cung ứng thiết bị, dịch vụ… Đây là cơ hội vô cùng tốt cho Việt Nam để nắm bắt kịp thời và định hướng phát triển, đa dạng hóa, tự chủ nguồn cung cấp điện, đảm bảo phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trên địa bàn Tây Bắc, với địa hình 80% là rừng núi, việc ngành Công Thương Điện Biên đang nỗ lực triển khai dự án tận dụng các lòng hồ, mái nhà để phát triển năng lượng điện mặt trời là một việc làm có ý nghĩa rất thiết thực góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng cho sản xuất công nghiệp và tiêu dùng, đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc nói chung. Rất mong được sự quan tâm của lãnh đạo và chính quyền các cấp cùng chung tay vào cuộc đưa nhanh tốc độ triển khai các dự án điện mặt trời trên diện rộng và phổ biến, đáp ứng nhu cầu điện năng của quốc gia, góp phần tăng trưởng KT-XH trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
Hương Lan