Cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp trong toàn ngành khắc phục khó khăn trong lao động sản xuất, kinh doanh, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng và mục tiêu năm 2018.
Sáu tháng đầu năm, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Các cấp, các ngành đã tổ chức phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để cung ứng dự trữ hàng hóa nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại…
Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên trước, trong và sau Tết dồi dào, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá… đã tác động kích cầu tăng sức mua trong dân, góp phần làm cho thương mại, dịch vụ trên địa bàn tăng so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội như: lễ hội đua thuyền Đuôi én; lễ hội Hoa Anh Đào; lễ hội Hoa Ban; lễ hội Thành Bản Phủ; đặc biệt kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2018), nghỉ lễ 30/4 và 01/5 dài ngày nên lượng du khách đến tham quan các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, giúp tăng doanh thu thương mại và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên thị trường tỉnh đạt 5.222 tỷ đồng, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47,05% kế hoạch năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ ước đạt 30,77 triệu USD bằng 45,93% so với kế hoạch năm và tăng 28,29% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 19,75 triệu USD bằng 44,89% so với kế hoạch năm và tăng 40,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa địa phương thực hiện ước đạt 8,5 triệu USD, ngoài địa phương thực hiện ước đạt 6,8 triệu USD, dịch vụ đạt 4,45 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Xi măng Điện Biên, vật liệu xây dựng các loại, ngoài ra còn xuất khẩu một số hàng hóa nông lâm sản, đồ gia dụng và hàng hóa khác.
Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 11,02 triệu USD bằng 47,91% so với kế hoạch năm và tăng 34,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa địa phương thực hiện 4,37 triệu USD, ngoài địa phương ước đạt 6,65 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: máy móc, thiết bị cơ điện phục vụ cho xây dựng thủy điện, ngoài ra còn nhập khẩu một số mặt hàng nông lâm sản, đồ gia dụng và hàng hóa khác.
Hoạt động xuất, nhập khẩu và thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh tại các cửa khẩu, lối mở và khu vực biên giới diễn ra bình thường và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp địa phương vẫn giữ được lượng hàng xuất khẩu ổn định gồm: Công ty CP Xi măng Điện Biên; Doanh nghiệp TNXDTM Hải Hưng; Công ty CP Đầu tư Thương mại Hưng Long; Công ty Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh và các hộ kinh doanh cá thể buôn bán qua biên giới. Lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra 871 lượt, lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính 344 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 300,9 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: buôn lậu 12 vụ; vi phạm về an toàn thực phẩm 73 vụ; vi phạm trong lĩnh vực giá 139 vụ; vi phạm trong kinh doanh 04 vụ; vi phạm khác 116 vụ; Buộc tiêu hủy tại chỗ tang vật hàng hóa quá hạn sử dụng gồm bánh kẹo, nước giải khát các loại, trị giá 75,287 triệu đồng.
Năm 2018, Sở có 09 đề án khuyến công được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 06 đề án khuyến công quốc gia và 03 đề án khuyến công địa phương. Hiện tại đã thực hiện các thủ tục cần thiết để thực hiện các đề án. Định hướng và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng đề án khuyến công quốc gia và địa phương năm 2019. Ngoài ra, Ngành còn xây dựng 5 đề án xúc tiến thương mại đề xuất vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019, có 02 đề án thuộc chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2019 trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong 6 tháng đầu năm, Sở cũng đã tổ chức tham gia 02 hội chợ thương mại (01 hội chợ thương mại tại Lào, 01 hội chợ trong nước). Kết nối và hỗ trợ 03 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 03 Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Tổ chức 02 lớp đào tạo, trong đó 01 về kỹ năng kinh doanh cho các đơn vị, doanh nghiệp tỉnh Điện Biên thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, 01 đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tỉnh Điện Biên thuộc Kế hoạch phát triển TMĐT địa phương năm 2018. Hiện tại, Sở đang triển khai thực hiện các thủ tục và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện đề án “Tổ chức đưa hàng Việt về miền núi các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé” và đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2018”.
Cùng với đó, ngành Công Thương Điện Biên đã chủ động xây dựng các giải pháp triển thực hiện các chương trình công tác của các cấp, ngành và nhiệm vụ cụ thể được giao của ngành. Tham mưu cho UBND tỉnh văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng trạm biến áp và lưới điện truyền tải 110 kV theo Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025; Trình UBND Tỉnh ban hành Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; Trình UBND Tỉnh thu hồi giấy chứng nhận cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất nhỏ lẻ và công bố bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan.
Ngành Công Thương Điện Biên đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp khoa học, hiệu quả, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại, quản lý thị trường, khuyến công, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ, hội chợ, bình ổn giá và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… với mong muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng làm động lực thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực của địa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Xuân Xuân