Khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng – kỹ thuật, ngành Công Thương tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thúc đẩy công thương phát triển và đã gặt hái được kết quả trong sáu tháng đầu năm 2016. Đây là một trong những thành quả rất đáng trân trọng đối với ngành Công Thương của một tỉnh miền núi.
Không được thiên nhiên ưu ái, thời tiết Điện Biên trong sáu tháng đầu năm diễn biến thất thường, hiện tượng băng đá, lũ ống, mưa đá gây khó khăn không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nhiều hoạt động sản xuất thiếu nguyên liệu đầu vào do phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được tăng cường, nhưng hiệu quả đấu tranh với các hành vi, vi phạm về an toàn thực phẩm còn hạn chế; kinh phí thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các Chương trình đề án Xúc tiến Thương mại còn thiếu; nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng Công nghiệp, Thương mại còn hạn hẹp; nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến gỗ thiếu; khả năng cạnh tranh một số sản phẩm công nghiệp, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong hội nhập. Song, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh Điện Biên và Bộ Công Thương, cùng với sự phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng các doanh nghiệp; ngành Công Thương đã cụ thể hóa được nhiều những giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các cấp trong tỉnh để khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, ra sức thi đua và lập nhiều thành tích hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm.
Mặc dù giai đoạn 2011-2015 gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay để tái đầu tư sản xuất và xây dựng các công trình dự án, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Điện Biên vẫn đạt mức tăng trưởng khá, về cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu theo đúng kế hoạch được giao; giá trị sản xuất công nghiệp năm sau cao hơn năm trước, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Giá trị công nghiệp ước thực hiện sáu tháng cuối năm 2016 đạt 1.023 tỷ đồng, tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước, đạt 35,64% so với kế hoạch năm. Trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ ước đạt 42 tỷ đồng, tăng 4,5% so vơi cùng kỳ năm trước, đạt 36,5% kế hoạch năm. Công nghiệp chế biến ước đạt 873,7 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 36,4% kế hoạch năm. Công nghiệp sản suất điện dự kiến đạt 87 tỷ đồng, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,1% kế hoạch năm. Cung cấp nước, xử lý rác thải dự kiến đạt 20,32 tỷ đồng tăng 15,71% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50,81% kế hoạch năm. |
Nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện sản xuất tăng 69,84% so với cùng kỳ năm trước, nước máy thương phẩm tăng 15,87% so với cùng kỳ năm trước, xi măng Poocland đen tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước,... Về cơ bản, hoạt động sản xuất công nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Hoạt động thương mại nội địa có mức tăng trưởng khá. Công tác chỉ đạo bình ổn giá cả thị trường đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tình hình lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại trên thị trường sáu tháng đầu năm nhìn chung ổn định, không có biến động lớn. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên thị trường tỉnh trong sáu tháng đầu năm ước đạt 4.546 tỷ đồng, tăng 18,97% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53, 05% kế hoạch năm. Các cấp, các ngành đã tập trung triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; các cơ sở kinh doanh tích cực đưa hàng về vùng sâu vùng xa; chuẩn bị các phương án phục vụ hàng hóa mùa mưa bão.
Do thuận lợi về mặt địa lý, cùng với sự nỗ lực trong hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới nên ngành Công Thương đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ sáu tháng đầu năm 2016 ước đạt 14,358 triệu USD, bằng 31,9% so với kế hoạch năm và bằng 57,09% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa ở mức tương đối cân bằng, cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa địa phương đạt 31,72% so với kế hoạch năm và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 32,27% so với kế hoạch năm. Bên cạnh đó, có một tín hiệu đáng mừng là tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa cao hơn tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.
Có được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công Thương, UBND tỉnh thì ngành Công Thương Điện Biên đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chủ động đề xuất và triển khai đồng bộ các giải pháp như: Hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại, tổ chức khóa học tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch khuyến công quốc gia; chú trọng vào công tác quản lý các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu và mậu dịch biên giới trên địa bàn tỉnh; quan tâm tới công tác khai thác và quản lý thị trường tiêu thụ; đặc biệt, lãnh đạo sở đã tích cực cải cách hành chính, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác kiểm tra và đánh giá với các báo cáo thường niên.
Để hoạt động công thương ngày càng tăng trưởng cao và bền vững hơn, ngành Công Thương Điện Biên đang tiếp tục tập trung triển khai tổ chức thực hiện tốt những mục tiêu trong sáu tháng cuối năm; đề ra phương hướng hoạt động với những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời gian tới. Được sự quan tâm kịp thời của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, cùng với quyết tâm và nỗ lực cao của lãnh đạo ngành Công Thương Điện Biên, với những giải pháp mang tính thiết thực như: Đẩy mạnh đầu tư, quy hoạch, và xậy dựng các kế hoạch dài hạn; tăng cường chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại; tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu và thương mại biên giới; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quản lý thị trường; đào tạo nâng cao chất lượng nguổn nhân lực, cải cách hành chính phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành.
Ngành Công Thương Điện Biên rất mong Bộ Công Thương cùng các bộ, ban ngành tiếp tục quan tâm và hỗ trợ vốn, kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại địa phương; UBND tỉnh cần bố trí tăng kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp để hoạt động Xúc tiến thương mại được thường xuyên hơn, tạo điều kiện cho cộng đồng các Doanh nghiệp hoạt động đúng định hướng và hiệu quả.
Bám sát tình hình thực tế, chủ động kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp khoa học phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, ngành Công Thương Điện Biên đang nỗ lực với phương châm “Tất cả vì nâng cao cuộc sống của người dân”. Những kế hoạch đã vạch ra trong thời gian tới, với quyết tâm vượt khó của Lãnh đạo và sự đồng thuận của cán bộ viên chức, người lao động trong toàn ngành, tin rằng sáu tháng cuối năm, ngành Công Thương Điện Biên sẽ đạt được nhiều thành công mới. Xứng đáng là ngành kinh tế chủ đạo của Tỉnh trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Hà Trang