Thứ Năm, 21/11/2024 20:04:57 GMT+7
Lượt xem: 1011

Tin đăng lúc 05-06-2023

Ngành Công Thương Hưng Yên nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp

Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, ngành Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Hưng Yên.
Ngành Công Thương Hưng Yên nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam và ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương chứng kiến đại diện các Doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết vì người tiêu dùng với Sở Công Thương và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hưng Yên

Ngành Công Thương đã và đang thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” nhằm góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

 

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

 

Theo ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động; linh hoạt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh CCHC; tăng cường tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin thị trường, thực thi các yêu cầu thương mại tự do FTA.

 

Từ đó, ngành Công Thương luôn nỗ lực đơn giản hóa TTHC, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng phục vụ. Đến nay, (92/116 TTHC mức độ 4, chiếm 79,3%; 24/116 TTHC mức độ 3, chiếm 20,7%). Điểm số CCHC của Sở Công thương nhiều năm liền nằm trong Top đầu của tỉnh.

 

Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” là chỉ số quan trọng trong 10 chỉ số thành phần đánh giá PCI, là công cụ đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo về quản trị kinh doanh…

 

Để thực hiện chỉ số này, tỉnh đã ban hành một số chính sách, giải pháp hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

 

Những dấu ấn đặc biệt

 

Tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 59,95% trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh, công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 14,71% và thương mại dịch vụ 25,34%. Tuy nhiên, sau 25 năm tái lập, KT-XH của tỉnh đã có bước tiến dài, dần trở thành tỉnh công nghiệp.

 

Năm 2022, GRDP tăng 12,84%, đứng trong top đầu cả nước; cơ cấu kinh tế Công nghiệp, xây dựng 63,7% - Nông nghiệp 7,55% - Thương mại, dịch vụ 28,75%; tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 51.410 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 101,8 triệu đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 61.843 tỷ đồng.

 

Ngành Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển SXKD, bảo đảm lưu thông hàng hóa và đạt được kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,4%; giá trị xuất khẩu đạt 6,645 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, xuất - nhập khẩu, thương mại quốc tế; các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện với nhiều chương trình, đề án, nội dung phong phú, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

 

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thơ cho biết, để đạt được kết quả trên, Sở đã chủ động tham mưu đề xuất với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá như: đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại; phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; hình thành được ngành công nghiệp đa ngành; đẩy mạnh việc thành lập doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng và triển khai có hiệu quả các phương án bình ổn giá, ổn định thị trường.

 

Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 

Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong SXKD. Năm 2022, Sở Công Thương đã tham mưu tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, trong đó tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên, với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối theo kênh truyền thống và các kênh thương mại điện tử như Postmart, Voso; các doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, nhà vườn trồng Nhãn và nông sản của tỉnh. Tại Hội nghị này đã chính thức đưa Nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử và các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

 

Năm 2023, ngành Công Thương đề ra chỉ tiêu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 52 nghìn tỷ đồng; hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch, đề án UBND tỉnh giao; nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp...

 

“Thời gian tới, Sở sẽ triển khai tổ chức thực hiện tốt hoạt động xúc tiến thương mại. Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA, RCEP,... nâng cao nhận thức, góp phần tạo sự tin tưởng, chủ động trong quá trình hội nhập. Qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI”, ông Thơ khẳng định.

 

Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2030, sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Để góp phần phát triển tỉnh Hưng Yên là tỉnh công nghiệp luôn có nguồn thu ngân sách xếp Top đầu cả nước trong giai đoạn sắp tới.

 

Theo DiendanDN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang