Phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp với những con số ấn tượng
Trong nửa đầu năm 2017, bằng nhiều chính sách phát triển kinh tế hấp dẫn, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong của Khánh Hòa đã thu hút được 131 dự án đầu tư (26 dự án đầu tư nước ngoài và 105 dự án trong nước). Trong đó, có 74 dự án đang đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động. Ngoài ra, 07 dự án đầu tư trong nước đã đăng ký với tổng số vốn 299 tỷ đồng. Hiện nay, Khánh Hòa có 02 Khu công nghiệp (KCN) đang đi vào hoạt động. KCN Suối Dầu (136,7ha) đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng và lấp đầy 83% diện tích, thu hút 53 dự án đăng ký đầu tư, 37 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 4,3 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 11,5 nghìn lao động. KCN Ninh Thủy đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 (113ha), thu hút được 12 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn 79 triệu USD và có 05 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 38,8 triệu USD, giải quyết việc làm cho 237 lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 05 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 217 tỷ đồng.
Các CCN cũng được Sở Công Thương và TTKC hết sức chú trọng. Do vậy, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 7 CCN đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng. Trong đó có 03 CCN: Diên Phú, Đắc Lộc, Chăn nuôi Khatoco đã đi vào hoạt động, thu hút 51 dự án và đã có 43 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động. UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chủ trương đầu tư CCN Diên Thọ với diện tích 22,2 ha do Công ty TNHH B.J Korea đề nghị và làm chủ đầu tư; Chấp thuận chủ chương đầu tư mở rộng CCN Diên Phú thêm 9,8 ha do Công ty CP Đầu tư VCN làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 117 tỷ đồng… Sở Công Thương còn đề nghị UBND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển khu, CCN trên địa bàn tỉnh, trong đó, Dự án đầu tư mở rộng dải cây xanh cách ly cho CCN Đắc Lộc đang được triển khai.
Trong nửa đầu năm 2017, Sở Công Thương tỉnh đã phê duyệt 6 đề án khuyến công địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Khánh Hòa phối hợp với Phòng Kinh tế Thành phố Nha Trang tổ chức lớp tập huấn chính sách khuyến công, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Công Thương với địa phương trong việc triển khai thực hiện đề án khuyến công, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đề án. Với sự phối hợp của Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Công Thương, Sở Công Thương tiếp tục mở thêm lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khuyến công cho đội ngũ cán bộ. Để giúp nhân dân hiểu rõ hơn về công tác khuyến công của tỉnh, Sở Công Thương Khánh Hòa đã chỉ đạo xuất bản được 01 số Bản tin Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.
Tổ chức nhiều hội chợ, đề án trong và ngoài tỉnh
Bên cạnh khuyến khích phát triển công nghiệp, 6 tháng đầu năm, TTKC&XTTM và Sở Công Thương cũng có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Những hội chợ thương mại được Sở khuyến khích tổ chức. Đã có 6 hội chợ thương mại 2017 được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, có 02 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Cam Lâm và huyện Khánh Vĩnh; hội chợ Thương mại Quốc tế Festival biển Nha Trang 2017 được chỉ đạo tổ chức; Xây dựng Đề án Phiên chợ đưa hàng Việt ra hải đảo tại đảo Bình Ba (Thành phố Cam Ranh). Các Hội chợ tổ chức trong và ngoài nước đều được thông tin và có hỗ trợ cho doanh nghiệp để đăng ký tham gia như “Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê” năm 2017 tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa còn phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối” tại thành phố Đà Lạt. Hoạt động này nhằm thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 do Bộ Công Thương triển khai. Sở Công Thương Khánh Hòa phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk thực hiện khảo sát, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp hai tỉnh. Qua đó, Cuộc vận động các doanh nghiệp tham gia hội chợ Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2017 tại tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức trong tháng 7 năm nay (thuộc chương trình khuyến công quốc gia). Chỉ đạo một số đơn vị tổ chức Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương đã tiếp nhận khoảng 5.700 hồ sơ khuyến mãi từ các doanh nghiệp gửi đến và xác nhận theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động công nghiệp và xúc tiến thương mại
Tiếp nối những thành công trong nửa đầu năm 2017, những tháng cuối năm, ngành Công Thương Khánh Hòa quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 với những chỉ tiêu cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiêp đạt hơn 48 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2010; chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng 7,5% so với năm 2016. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu gồm: Nước yến và nước bổ dưỡng đạt 38 triệu lít; bia các loại đạt 50 triệu lít; đường các loại đạt 110 nghìn tấn; chế biến thủy sản đạt 90 nghìn tấn; thuốc lá điếu đạt 970 triệu bao; đóng tàu đạt 12 chiếc; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Phấn đấu đạt 85 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 1 tỷ 330 triệu USD , tăng 9,92% so với năm 2016, nhập khẩu ước tính giảm 5,56% so với năm 2016, nghĩa là đạt 680 triệu USD.
Những giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Sở Công Thương qun tâm, bào gồm: Chú trọng kêu gọi đầu tư để lấp đầy KCN Suối Dầu, Ninh Thủy; Theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án mở rộng cơ sở hạ tầng CCN Diên Phú; Phối hợp các ngành, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở các CCN: Trảng É1, Trảng É2, Sông Cầu, Diên Thọ, nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Tăng cường công tác kêu gọi vốn ngoài ngân sách thực hiện đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nhằm đảo bảo cho phát triển kênh phân phối, thu gom hàng hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu để thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về việc tập trung, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Cũng trong nửa cuối năm 2017, thông qua Khuyến công quốc gia, nhiệm vụ trọng tâm của Khuyến công địa phương là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc ứng dụng máy móc trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, nâng cao năng lực quản lý đào tạo nghề... Qua đó, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao; khả năng cạnh tranh trên thị trường tăng; góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp truyền thống và giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Hương Chu