Thứ Ba, 26/11/2024 23:32:22 GMT+7
Lượt xem: 831

Tin đăng lúc 02-01-2021

Ngành Công Thương kiên định thực hiện mục tiêu kép

Năm 2020 đã khép lại với những thành tựu tích cực, toàn diện, góp phần vào thành công chung trong giai đoạn 2016 - 2021. Đóng góp vào thành quả đó, phải kể đến nỗ lực của ngành Công Thương với tinh thần vững vàng, kiên định thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế...
Ngành Công Thương kiên định thực hiện mục tiêu kép
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Câu chuyện về hoạt động xuất nhập khẩu là minh chứng mạnh mẽ nhất cho nỗ lực của ngành Công Thương. Còn nhớ hồi đầu năm, khi dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt yêu cầu cho ngành trong năm phải phấn đấu cho được con số kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD. Khi đó, chưa ai có thể tưởng tượng được những tác động ghê gớm do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020.

 

Sau đó, đặc biệt là khoảng thời gian nửa đầu năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính hiện thực của con số xuất khẩu 300 tỷ USD. Nhưng, ngành Công Thương từ lãnh đạo Bộ đến lãnh đạo đơn vị chức năng đã vào cuộc với tinh thần như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “khó khăn gấp đôi đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực gấp ba”. Và, theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố ngày 27/12/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 tăng 6,5% so với năm trước, đạt 281,5 tỷ USD.

 

Trong khó khăn chưa từng có cả về đơn hàng, thị trường, kết nối giao thương…, con số 281,5 tỷ USD chỉ cách mục tiêu 300 tỷ USD già nửa tháng xuất khẩu với “phong độ” vốn có của kinh tế Việt Nam. Nói như vậy để thấy rằng, trong điều kiện bình thường, mục tiêu 300 tỷ USD về xuất khẩu hàng hóa cũng cần đến sự nỗ lực rất cao.

 

Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, từng đồng USD xuất khẩu năm 2020 mang chất lượng mới, vững chắc, bài bản và chuyên nghiệp hơn và trên hết là sự kết tinh những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Công Thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

 

Những nỗ lực của ngành Công Thương trong việc kiên định, vững vàng thực hiện mục tiêu kép đã làm rõ thêm các nội hàm, căn cứ hoạch định chính sách không chỉ cho năm 2020 mà còn cả năm 2021 và những năm tiếp. Theo đó, dành ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch, bảo đảm đời sống của nhân dân trên tất cả các phương diện và bảo đảm mức cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế.

 

Nhìn rộng hơn, bức tranh năm 2020 của ngành Công Thương có thể thấy nổi lên 4 điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép.

 

Thứ nhất, thúc đẩy sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Công Thương đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các đơn vị trong và ngoài Bộ, doanh nghiệp trong ngành để tổng hợp, nắm bắt thông tin kịp thời; thúc đẩy sản xuất khẩu trang y tế, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp dệt may nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn phục vụ phòng chống dịch.

 

Thứ hai, kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường, bảo đảm ổn định trật tự thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu và các hàng hóa phục vụ chống dịch cho người dân.

 

Khó có thể quên những tháng đầu năm 2020, trước thông tin về những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, đã có lúc xảy ra tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy để mua khẩu trang, nước rửa tay phòng dịch. Thế nhưng, lực lượng quản lý thị trường đã bám sát mọi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương tập trung quyết liệt, chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phòng, chống dịch.

 

Thứ ba, bảo đảm cân đối, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân.

 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có xu hướng ngày càng lan rộng tại các nước cũng như tại Việt Nam gây tác động đến tâm lý người dân và ảnh hưởng tới thị trường hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ "chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ" và 3 sẵn sàng "chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”;

 

Thứ tư, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để kết nối với thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

 

Để làm nên những điểm sáng đó, Bộ Công Thương đã chủ động vào cuộc rất sớm bằng tâm thế: Khó khăn càng chưa có tiền lệ, giải pháp càng phải mang tính khả thi không chỉ cho trước mắt mà còn mang tính “dài hơi”, “căn cơ”, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu từ tập thể lãnh đạo Bộ đến lãnh đạo các đơn vị chức năng. Đặc biệt, người đứng đầu ngành Công Thương đã nhấn mạnh tinh thần và cách thực hiện: “Giải pháp, giải pháp và giải pháp”.

 

Đáng chú ý, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất, góp phần duy trì đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp và nền kinh tế đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

 

Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, bám sát thực tiễn các tác động của dịch bệnh đối với sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng để đề xuất và triển khai biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ, định hướng chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu, tìm thị trường đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước để tự chủ một phần nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước - đặc biệt là trong các ngành dệt may, da giày, điện tử…

 

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương liên tục nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét một số biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước và sau dịch bệnh.

 

Dịch Covid-19 cũng là thời điểm ngành công nghiệp trong nước nhìn lại vị trí trong liên kết chuỗi, từ đó có định hướng tái cơ cấu hợp lý, tăng cường nội lực về công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn cung lâu dài, tránh phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào nhất định.

 

***

 

Nhiều học giả trên thế giới cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến cho thế giới thay đổi mãi mãi. Đúng là có những thứ sẽ đổi khác so với trước nhưng có một thứ không thay đổi, với chúng ta đó là tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. 

 

Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Dấu ấn của năm 2020 chính là tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ, biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, tạo tiền đề vững chắc hơn cho năm 2021 - năm mở đầu của giai đoạn phát triển 5 năm tới.

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang