Chỉ số công nghiệp - thương mại “cứu vớt” GRDP các địa phương
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như các địa phương khác trong cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) các địa phương miền Trung - Tây Nguyên cũng đồng loạt tăng trưởng chậm lại. Cá biệt, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng tăng trưởng âm.
Trong “bức tranh” kinh tế không mấy thuận lợi đó, các chỉ số công nghiệp, thương mại của ngành Công Thương nhiều địa phương vẫn tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm nhấn và là “cứu cánh” để ghìm hãm việc GRDP giảm điểm.
Điển hình như, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tại Ninh Thuận tăng tới 20,5%, Kon Tum 14%, Quảng Trị 5,7%, Quảng Bình 5,1%...
Mặc dù sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, đơn hàng đầu ra giãn, hoãn tiến độ, chuỗi sản xuất cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực (không tính TP. Đà Nẵng) chỉ giảm 0,1% so với cùng kỳ, ước đạt 217.836 tỷ đồng.
Thương mại là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và sớm nhất của Covid-19, nên tổng mức bán lẻ hàng hóa của khu vực giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Điểm sáng là vẫn có 6/15 tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng dù không cao như Gia Lai tăng 7,1%, Đắk Nông tăng 4,9%, Kon tum tăng 4,7%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực cũng giảm nhẹ, ước đạt 4,485 tỷ USD toàn vùng. Trong đó, có 3 địa phương xuất khẩu “lội ngược dòng” tăng trưởng mạnh mẽ gồm Quảng Ngãi tăng 52,5%, Ninh Thuận tăng 30,7% và Đắk Nông tăng 12,5%.
Ngoại trừ TP. Đà Nẵng, các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lĩnh vực công nghiệp - thương mại là trụ đỡ chính của nền kinh tế. Nhờ có sự tăng trưởng của 2 lĩnh vực này đã giúp GRDP nhiều địa phương dù không tăng trưởng như kỳ vọng nhưng vẫn có tăng trưởng như GRDP Ninh Thuận tăng 8,46%, Quảng Ngãi tăng 3,7%, Quảng Bình tăng 3,3%....
Đồng lòng vượt qua khó khăn
Dù còn nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những nỗ lực cải cách, đặc biệt là đổi mới phương thức quản lý nhà nước của lãnh đạo Bộ Công Thương cùng với việc ký kết và triển khai các FTA thế hệ mới, sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, ngành Công Thương các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đang “chung sức, đồng lòng” khôi phục lại hoạt động sản xuất, thương mại bằng những hành động cụ thể.
Tiêu biểu như các tỉnh thành đã đồng loạt triển khai lấy ý kiến khảo sát các khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất trình UBND tỉnh/thành phố các giải pháp để giúp doanh nghiệp khắc phục. Đối với lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương các địa phương đã lần lượt có kế hoạch triển khai chương trình kích cầu, khuyến mại để kích thích thị trường, tăng sức mua,
Bên cạnh đó, các hội chợ, chương trình kết nối cung cầu được các đơn vị lên kế hoạch triển khai cụ thể, luân phiên ở các tỉnh/thành để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Hội chợ tổ chức ở địa phương này thì những địa phương còn lại sẽ thông tin đến doanh nghiệp, tổ chức đoàn doanh nghiệp của địa phương đó tham gia hội chợ, để các doanh nghiệp giao lưu, kết nối, để mang sản phẩm đặc trưng của địa phương này quảng bá, tiêu thụ ở các địa phương còn lại.
TP. Đồng Hới - nơi diễn ra Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020
Các Sở Công Thương cần liên kết làm cầu nối để kết nối các doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau khi có nhu cầu hợp tác. “Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020” diễn ra được kỳ vọng sẽ là nơi các doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác, kích cầu thương mại, tìm kiếm sự sôi động trở lại của thị trường.
Ngoài ra, Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VII, 2020 sẽ diễn ra tại tỉnh Quảng Bình (ngày 10/7). Tại hội nghị này, lãnh đạo các Sở Công Thương sẽ trao đổi, thảo luận về các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương, đề xuất các kiến nghị, nguyện vọng của doanh nghiệp đến lãnh đạo Bộ Công Thương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo Công Thương