Thứ Năm, 21/11/2024 20:22:41 GMT+7
Lượt xem: 5928

Tin đăng lúc 09-03-2020

Ngành Công Thương Quảng Ninh: Chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp giữa tâm dịch Covid-19

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid – 19) gây ra đang tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Quảng Ninh. Trước những khó khăn này, Ngành Công Thương Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh, đồng hành cùng các DN chủ động xây dựng giải pháp để sớm ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngành Công Thương Quảng Ninh: Chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp giữa tâm dịch Covid-19
Công ty Than Hòn Gai đã mua ủng hộ 4,5 tấn thủy sản hỗ trợ nông dân huyện Vân Đồn

Xuất khẩu giảm, nông sản thủy sản tồn đọng

 

Dịch bệnh không những tác động đến hoạt động tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh, xuất khẩu của các DN trong tỉnh Quảng Ninh mà còn làm giảm kim ngạch xuất khẩu của các DN qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với mặt hàng nông lâm thủy sản. Đồng thời việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng bị ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh chung và xuất khẩu nói riêng.

 

Theo thống kê, tổng mức bán lẽ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2/2020 của tỉnh Quảng Ninh ước đạt gần 8,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 941 tỷ đồng, giảm 8,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 54 tỷ đồng, giảm 16%; doanh thu dịch vụ khác đạt 392 tỷ đồng, tăng 9,1%.

 

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng năm 2020 ước đạt 248,2 triệu USD, giảm 15,9% cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng ước đạt 292,9 triệu USD, tăng 3,4% cùng kỳ. Hiện nhiều loại nông sản, thủy hải sản trong mùa thu hoạch đang tồn đọng với số lượng lớn. Trong đó, sản lượng ngao 2 cùi gần 3.000 tấn; hàu Thái Bình Dương là 4.500 tấn; trứng gà 18.000 quả/ngày, tập trung chủ yếu tại ba huyện Vân Đồn, Hải Hà, Quảng Yên. Ngoài ra, trong thời gian tới, một số sản phẩm sẽ vào vụ thu hoạch chính như chè khô tồn đọng khoảng 700 tấn, tôm khoảng 400 tấn; hàu cửa sông 3.000 tấn và các loại thủy sản khai thác khoảng 2.500 tấn. Trong khi đó, việc tiêu thụ hiện nay chủ yếu còn nhỏ lẻ, tại các chợ lớn và siêu thị trên địa bàn tỉnh.

 

Tháo gỡ khó khăn bằng những giải pháp cụ thể

 

Thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), các DN lớn trên địa bàn tỉnh để đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Hiện một số đơn vị của TKV đã đưa ngao, hàu… vào bếp ăn tập thể.

 

Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã làm việc trực tiếp với UBND huyện Vân Đồn để triển khai các hoạt động kết nối, lên phương án hỗ trợ tiêu thụ cho các cơ sở nuôi trồng lớn đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động trao đổi, đề xuất triển khai việc thực hiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh đối với người điều khiển và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

Sở Công Thương Quảng Ninh đã đề nghị DN logistics hỗ trợ DN kinh doanh giảm chi phí. Hiện đã có Công ty cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương, Công ty CP Thành Đạt hỗ trợ giảm mức phí vào cổng phí lưu kho bãi từ 100 - 300 ngàn đồng. Sở cũng đang đề nghị các DN tiếp tục giảm một phần các chi phí khác như phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa nếu người dân hay các đơn vị có nhu cầu. Đồng thời, kịp thời thông tin đến các DN tình hình hoạt động của các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

 

Sở Công Thương Quảng Ninh cũng chủ trì phối hợp với các ngành chức năng làm việc trực tiếp với các đơn vị sản xuất điện trên địa bàn tỉnh về nội dung tăng công suất phát điện đảm bảo kịch bản tăng trưởng phát triển kinh tế của tỉnh, theo đó các đơn vị sản xuất điện thống nhất tăng 5,2% sản lượng điện sản xuất so với chỉ tiêu được UBND tỉnh phân bổ.

 

Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết - Hiện đơn vị đang tiến hành rà soát lại kế hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhằm đảm bảo kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 đúng theo kế hoạch mà tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra. Sở cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế sau dịch, có thể kết hợp du lịch với thương mại, kết nối các sản phẩm đến với người tiêu dùng và khách du lịch.

 

Đồng thời, để hỗ trợ người dân, DN trên địa bàn Quảng Ninh tháo gỡ các khó khăn liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Sở cũng đã kết nối các DN với các ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch, nhằm miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

 

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu - Để giải quyết bài toán này, đòi hỏi phải kết hợp nhiều hình thức, nhiều giải pháp và gắn với từng sản phẩm cụ thể. Sở Công Thương tích cực tìm kiếm thị trường, kêu gọi các đối tác trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản, tập trung đưa vào các siêu thị lớn. Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất với tỉnh cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các đơn vị cấp đông, sơ chế, chế biến các mặt hàng thủy sản.

 

Theo Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang