Tuy nhiên, Vĩnh Long là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy trong cơ cấu phát triển kinh tế, đến nay, nông nghiệp, thủy sản vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Song, để hai ngành này có thể mở rộng, phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao thì vai trò của ngành công thương, cụ thể là: Điện lực, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường nội địa có vai trò động lực.
Giai đoạn 1992-2000, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm là 12%/năm. Đây là giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường.
Những năm 2001-2011 là thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp đạt 19,39%/năm. Đến năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 12 lần so với năm 1992. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp Vĩnh Long đã được công nhận chất lượng ISO, được tặng giải thưởng chất lượng cao, huy chương vàng ở các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế.
Về lĩnh vực thương mại: Giai đoạn 1992 - 2000, tăng bình quân 18,45%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 22,87%/năm. Qui mô của ngành thương mại - dịch vụ năm 2000 đã tăng gấp 5 lần so với năm 1992. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 14,35%/năm. Đến năm 2000, tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng 3,3 lần so với năm 1992.
Trong giai đoạn này, hoạt động thị trường nội địa diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2011 đạt 21.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2001-2011 là 20,37%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 17%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân trong thời kỳ 1992-2011 là 16%/năm; Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 11,8%/ năm. Đến năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn gấp 6 lần so với năm 1992.
Công tác phát triển điện nông thôn: Năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Long sử dụng nguồn điện lưới quốc gia. Sau đó, Tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp phát triển điện nông thôn với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm; Đến cuối năm 2000 tổng số hộ dân có điện là 172.864 hộ, đạt tỷ lệ 80%. Giai đoạn 2001-2011, công tác phát triển điện nông thôn tiếp tục được sự quan tâm của các ngành, các cấp nên đã có bước tiến đáng kể. Tính đến cuối năm 2011, tổng số hộ dân có điện là 271.428 hộ, đạt tỷ lệ 98,9% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người đạt 509,6 kwh/người, tăng gấp 3,9 lần so với năm 2000.
Giai đoạn 2011- 2015, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và biến động phức tạp, Sở Công Thương đã tiến hành các đợt khảo sát các doanh nghiệp khó khăn trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, đồng thời tham mưu đề xuất với UBND Tỉnh những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Chính phủ; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực chủ động sản xuất kinh doanh, nắm bắt chính sách hỗ trợ của nhà nước, đẩy mạnh tốc độ sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sản lượng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngành công nghiệp - TTCN trong tỉnh duy trì được mức tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 13,81%/năm (quy đổi theo giá 1994). Qui mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (tính theo giá so sánh 2010) ước đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2010; tốc độ tăng bình quân 13,67%/năm. Công nghiệp - TTCN khu vực nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển, nhất là việc bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Cơ cấu mặt hàng có sự phát triển, khai thác tốt nguồn nguyên liệu tại địa phương, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động tại chỗ, tăng thêm thu nhập, cải thiện được cuộc sống theo xu thế phát triển chung của xã hội. Số lượng cơ sở sản xuất gia tăng phát triển, nhiều ngành nghề có xu hướng tăng trưởng cao. Các hội, hiệp hội ngành nghề cuả tỉnh bước đầu đã tạo được tiếng nói chung và góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tập trung, điện nước giao thông và các dịch vụ được quan tâm triển khai đầu tư, từ đó đã tạo điều kiện sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, khai thác được tiềm năng lợi thế địa phương. Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 1, Khu công nghiệp Bình Minh và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã thu hút 30 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 20 dự án có vốn đầu tư trong nước) với tổng diện tích đất đã thuê là 160 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.939,68 tỷ đồng, thực hiện đạt 29,3% và 116 triệu USD. Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã định hướng quy hoạch phát triển 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 692,41 ha.
Ngành Công Thương Vĩnh Long đã tăng cường công tác khuyến công, chú trọng thực hiện các đề án khuyến công địa phương, tranh thủ nguồn ngân sách từ Trung ương trong thực hiện các đề án khuyến công quốc gia, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; Xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các làng nghề, các xã điểm nông thôn mới.
Giai đoạn này, lĩnh vực thương mại đạt tốc độ phát triển nhanh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng trưởng bình quân năm 2011-2015 là 18%/năm. Bảo đảm tốt vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được quy hoạch, mở rộng và ngày càng văn minh, hiện đại. Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh. Trong thời gian qua xuất khẩu đã có những phát triển nhanh chóng góp phần tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh. Bình quân giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất xuất tăng trưởng 5,3%/năm. Năm 2015, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 330 triệu USD, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2010. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, hàng công nghiệp - TTCN chiếm tỷ trọng ngày càng cao.
Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, hàng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... của Tỉnh tìm được thị trường tiêu thụ, xây dựng được kênh phân phối, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương. Trung tâm Xúc tiến thương mại chủ động đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài để khai thác thị trường tiêu thụ.
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm pháp luật thương mại; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, điạ phương triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; Phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trên tinh thần tiếp tục phát huy những thành quả kinh tế đạt được, Vĩnh Long đã xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp - thương mại đến năm 2020. Theo đó diện mạo ngành công nghiệp - thương mại, dịch vụ trong tương lai đã được phác thảo với các chỉ tiêu cơ bản: Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 là 42.000 tỷ đồng, qui mô sẽ tăng gấp 3,2 lần so với năm 2010; Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 là 530 triệu USD, quy mô tăng gấp 2 lần so với năm 2010; Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 là 8,5%/năm.
Để biến mục tiêu trên thành hiện thực, Tỉnh chủ động áp dụng nhiều biện pháp khuyến công, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp - thương mại phát triển mạnh. Đối với công nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến lương thực thực phẩm, chế biến nông sản - thủy sản; Đồng thời tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để phát triển công nghiệp công nghệ cao. Đối với thương mại, kết hợp giữa phát triển thương mại truyền thống với khuyến khích phát triển các hình thức thương mại hiện đại như cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, siêu thị. Tỉnh cũng tích cực huy động mọi nguồn vốn bằng nhiều hình thức cho đầu tư phát triển; Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án; Tăng cường và nâng cao công tác chuyển giao công nghệ. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, những ngành nghề ở nông thôn, những sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng đổi mới, tiếp cận công nghệ, quản lý chất lượng. Không ngừng nâng cao hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính, nhằm tác động mạnh vào quá trình thu hút đầu tư phát triển song song với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tạo kênh lưu thông hàng hóa, nắm bắt nhu cầu thị trường.
Tỉnh cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh của tỉnh trong thời gian qua là lúa gạo, hàng nông sản, thuỷ sản, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ… Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng và nâng cấp mạng lưới chợ trong tỉnh nhất là các chợ vùng nông thôn và các trung tâm thương mại, siêu thị theo nhu cầu thị trường trong tỉnh và mở rộng giao lưu hàng hoá ngoài tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa, xây dựng hệ thống phân phối và các hình thức phân phối hàng hoá hợp lý nhằm đủ sức cạnh tranh với các nhà phân phối lớn nước ngoài tham gia vào thị trường nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Với định hướng xây dựng tỉnh Vĩnh Long thành vùng đô thị sinh thái, xanh, sạch, đẹp, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ theo hướng công nghệ và chất lượng cao; Từng bước hình thành nền kinh tế tri thức dựa trên nguồn nhân lực có chất lượng; Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội theo Quyết định số 195/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, ngành Công Thương Vĩnh Long tự hào với những thành tựu đã đạt được và đang góp phần phấn đấu trở thành động lực kinh tế của tỉnh trong giai đoạn CNH, HĐH đất nước.
Nguyễn Minh Tho
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long