Theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2018, ngành da giày có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển và gia tăng xuất khẩu, đó là được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc do họ có xu hướng chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, việc ký kết một số Hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP cũng mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.
Kinh tế thế giới năm nay được dự báo có xu hướng tích cực nên nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ tăng mạnh hơn năm 2017.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành da giày đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như, chi phí nhân công ngày càng tăng, năng suất lao động vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành da giày do các doanh nghiệp hướng tới đầu tư thiết bị hiện đại, giảm bớt lao động...
Tuy vậy, theo kế hoạch, ngành da giày nỗ lực để sản lượng giày, dép da đạt 279 triệu đôi trong năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017./.
Theo Vov