Đưa KH&CN vào mọi hoạt động
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho biết: Là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu của Việt Nam, hoạt động trong một ngành công nghiệp nặng, nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ kỹ thuật cao, PVN đã xác định KH&CN là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững theo chiều sâu.
Theo đó, tập đoàn đã quyết liệt triển khai các hoạt động đầu tư cho KH&CN nhằm đưa PVN có bước phát triển vượt bậc về chất và lượng. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu khoa học trong ngành có các chủ trương cụ thể, tập trung vào việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, nhất là nghiên cứu, tổng hợp, áp dụng các công nghệ cao, tiên tiến, gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và các yêu cầu cụ thể của PVN, tăng cường hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành, các tổ chức trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, KH&CN đã được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN. Đặc biệt, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về dầu khí được tập đoàn chú trọng triển khai. Các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng như cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí các bể trầm tích, các lô tìm kiếm thăm dò, đề xuất phương hướng tìm kiếm thăm dò tiếp theo, đưa ra các giải pháp duy trì và nâng cao sản lượng khai thác dầu khí, đánh giá kịp thời tác động môi trường của các hoạt động dầu khí… Kết quả nghiên cứu giúp tập đoàn đề ra những chủ trương đúng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Làm chủ nhiều công nghệ hiện đại
Ông Nguyễn Quốc Thập khẳng định, ngành dầu khí hiện được coi là đang triển khai ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác. KH&CN đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành sản xuất, gia tăng tỷ lệ chất xám trong cấu thành sản phẩm. Nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng như: Công nghệ khoan trên các vùng biển sâu; công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng có lựa chọn trong các giếng có độ ngập nước cao; công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu của thân dầu Mioxen dưới mỏ Bạch Hổ bằng bơm nút dung dịch polyme; công nghệ giàn dầu giếng nằm ngang tại mỏ Tê Giác Trắng…
Đặc biệt, tới nay, đã có 4 công trình nghiên cứu của PVN được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN gồm: Công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”; Công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên danh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Việt Nam”; Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”; Công trình “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở độ sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam”.
“KH&CN đã góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh phát triển ngành dầu khí, được thể hiện qua các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của PVN tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Ví dụ, tốc độ tăng doanh thu toàn tập đoàn giai đoạn 2011 - 2015 tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010” - ông Thập nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng Giám đốc PVN:KH&CN là công cụ hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược phát triển của PVN. |
Nguồn Báo Công Thương