Thứ Sáu, 22/11/2024 17:51:16 GMT+7
Lượt xem: 5811

Tin đăng lúc 28-09-2019

Ngành Dầu khí “hòa mình” cùng cách mạng công nghiệp 4.0

Kể từ khi thành lập đến nay, ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP hàng năm. Trong hành trình phát triển ấy, không thể không nhắc đến vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, đây thực sự là bước “chuyển mình”, giúp doanh nghiệp đổi mới tư duy sản xuất để mang lại nhiều hiệu quả.
Ngành Dầu khí “hòa mình” cùng cách mạng công nghiệp 4.0
Công nghiệp 4.0 được áp dụng vào công nghệ khoan trên các vùng biển sâu

Năm qua, với sự nỗ lực cố gắng của tập thể ban lãnh đạo và CBCNV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vượt khó thực hiện nhiều giải pháp trong việc tập trung huy động mọi nguồn lực để xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn theo đúng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, 06 dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã được đưa vào hoạt động trở lại; tiếp tục huy động toàn bộ nguồn lực của Tập đoàn với quyết tâm cao nhất, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1. Công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Tập đoàn đang triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo…

 

Nhiều năm qua, dù đứng trước khó khăn khi tiếp tục phải thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như thị trường dầu khí có nhiều biến động, thế nhưng Tập đoàn và các đơn vị thành viên vẫn hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra với tổng mức doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.

 

Với những kết quả đạt được thì CMCN 4.0 chính là một trong những nhân tố quan trọng để PVN có thể đưa ra nhiều định hướng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD. Theo đó, PVN đưa ra một số định hướng chung như: Đã, đang và sẽ triển khai việc lồng ghép, cập nhật kịp thời công nghiệp 4.0 vào các chương trình, kế hoạch đầu tư ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; lựa chọn một hoặc một số dự án trọng tâm áp dụng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng các cơ hội mang lại để có thể theo kịp xu thế phát triển, giảm nguy cơ tụt hậu về công nghệ; áp dụng công nghiệp 4.0 trong chiến lược nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

 

Là doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập quốc tế, PVN có nền tảng khoa học công nghệ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới của công nghiệp dầu khí thế giới, vì vậy, hiểu biết về công nghiệp 4.0 tất nhiên phải kịp thời và toàn diện. Với yếu tố cốt lõi là sự hội tụ của mô hình sản xuất thông minh cùng với sự phát triển đột phá trong công nghệ số: Vạn vật kết nối (Internet of Things-IoT), robot, in 3D, dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp 4.0 liên quan trực tiếp và mật thiết đến mọi hoạt động của công nghiệp dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.

 

 

Ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội cho ngành Dầu khí

 

Nhìn chung, những ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội đối với PVN. Thông qua việc kết nối, xây dựng “big data” và ứng dụng Internet vạn vật, PVN có thể quản lý một lượng lớn cơ sở dữ liệu dầu khí quốc gia, bao gồm các hệ thống các “big data” về dữ liệu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, mở rộng xây dựng, kết nối với các khâu còn lại.

 

Bên cạnh đó, những ứng dụng như lắp đặt cảm biến nhằm “số hóa” hệ thống sản xuất, cho phép theo dõi, giám sát chất lượng sản phẩm và tài sản trong thời gian thực giúp PVN tiết kiệm được thời gian và nhân lực trong khâu thu thập dữ liệu, đồng thời có thể phân tích và đưa ra những điều chỉnh kịp thời trong quy trình sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất làm việc của máy móc và nâng cao tính liên kết giữa các công đoạn.

 

Hiện nay, công nghiệp 4.0 trong phát triển khoa học công nghệ được áp dụng vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh của PVN với những công nghệ hiện đại như: Công nghệ khoan trên các vùng biển sâu; công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng có lựa chọn trong các giếng có độ ngập nước cao; công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu của thân dầu Mioxen dưới mỏ Bạch Hổ bằng bơm nút dung dịch polyme; công nghệ giàn dầu giếng nằm ngang tại mỏ Tê Giác Trắng… Ngoài ra, PVN cũng đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

 

Nhiều đơn vị thành viên của PVN cùng hòa mình, nhập cuộc với dòng chảy của CMCN 4.0 một cách mạnh mẽ. Trong đó, có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu như Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí; Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro; Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổng công ty Dầu Việt Nam; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau; Viện Dầu khí Việt Nam… Những doanh nghiệp này đều có mức độ, nhu cầu và kế hoạch thích ứng với CMCN 4.0 khác nhau để đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kinh doanh và dịch vụ trong quy hoạch, chiến lược phát triển của Tập đoàn.

 

Chúng ta có thể thấy những thành tựu mà ngành công nghiệp dầu khí đạt được trong thời gian qua cũng đã mang lại cho Việt Nam một vị trí trong cộng đồng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, giúp nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, điều hành, để dần dần, người Việt Nam có thể tự điều hành các dự án có quy mô lớn, điều kiện địa chất, kỹ thuật phức tạp; đồng thời dần mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

 

Rõ ràng, vai trò của CMCN 4.0 là sự phát triển tất yếu của thế giới, có tác động, ảnh hưởng hết sức to lớn đến mọi mặt của đời sống, tự nhiên và xã hội của tất cả các quốc gia. Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hy vọng sẽ tiếp tục nắm bắt những cơ hội này để đổi mới phương thức sản xuất, quản lý và mở rộng SXKD - dịch vụ để có thể phát huy tối đa nhất các lợi ích mà cuộc cách mạng này mang lại.

 

Trong tháng 8/2019, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 55,4 ngàn tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch tháng; lũy kế 8 tháng ước đạt 489,5 ngàn tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch đề ra và bằng 80% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tháng 8 ước đạt 7,83 ngàn tỷ đồng, vượt 3,0% kế hoạch tháng; lũy kế 8 tháng ước đạt 68,9 ngàn tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch và bằng 78,8% kế hoạch năm.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang